Phát triển nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP

NDO -

Chiều 28/4, trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”, tại TP Cao Lãnh diễn ra Hội thảo định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu trình bày tại hội thảo.
Đại biểu trình bày tại hội thảo.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP và các tỉnh: Đồng Tháp, Sóc Trăng nằm trong nhóm 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất nước. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Trường Sơn cho biết, sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

“Nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch các địa phương đã dựa trên lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm OCOP, điển hình như các địa phương Đồng Tháp, Kiên Giang,…”, ông Ngô Trường Sơn khẳng định.

Tại Đồng Tháp, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 60 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP nhóm du lịch cộng đồng đã góp phần phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, tỉnh. Đến nay, Đồng Tháp đã công nhận được hơn 265 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết, mặc dù phát triển du lịch nông nghiệp đang là xu thế và khách du lịch tìm đến các sản phẩm du lịch ngày một tăng nhưng ban đầu du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp còn mang tính tự phát, hiệu quả chưa cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thương cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP và tạo dựng hình ảnh địa phương, khai thác triệt để các yếu tố giá trị tài nguyên văn hóa bản địa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc; khai thác lợi thế, đặc trưng của từng địa phương về: nông nghiệp, văn hóa, điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức dịch vụ du lịch và điểm du lịch, đặc biệt là vai trò quản lý, điều phối hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là hoạt động quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch.