Nội dung kết luận nói trên cũng nêu rõ: Đảng chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, quốc gia mong đợi cho nên chỉ bàn làm, không bàn lùi, phải có bước đi lộ trình, định hướng cụ thể. Nhiệm vụ trọng tâm là: Đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế; khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn…
Tinh thần này được thể hiện tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua việc thảo luận kỹ về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Qua lắng nghe các ý kiến thảo luận về dự thảo Luật với nhiều nội dung mới, được sự quan tâm của giới khoa học, doanh nghiệp chuyên ngành khoa học, kỹ thuật cao trong và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: Các cơ quan hữu quan phải dự kiến khi Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sẽ điều chỉnh những nội dung nào để bảo đảm thật sự đột phá cho phát triển công nghiệp công nghệ số; tháo gỡ các “điểm nghẽn”, rào cản, giải phóng nguồn lực để hoàn thiện, xác lập hành lang pháp lý vững chắc để phát triển công nghệ số.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tập trung phân tích, làm rõ nội dung hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, quy định tài sản số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quy định về công nghiệp bán dẫn, quy định về trí tuệ nhân tạo để bảo đảm tính khả thi, kiểm soát rủi ro và phát triển các lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo đúng chủ trương của Đảng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn (Điều 44 và Điều 59), có ý kiến đề nghị cần quy định có tính đặc thù, vượt trội để khuyến khích phát triển. Để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với đánh giá của cơ quan thẩm tra, theo đó, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thật sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, một số quy định ưu đãi đối với công nghiệp bán dẫn trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý: Điểm c Khoản 3 Điều 44 quy định chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu-phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điểm e Khoản 3 Điều 44 quy định Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí không quá 10% tổng đầu tư của dự án để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách. Khoản 5 Điều 59 quy định bổ sung Điểm c Khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng thống nhất quan điểm xây dựng quy định quản lý về trí tuệ nhân tạo trong dự thảo Luật dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, đồng thời khuyến khích phát triển, lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc quản lý này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Về hồ sơ, quy trình thủ tục cấp phép thử nghiệm, dự thảo Luật giao cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm ban hành để bảo đảm tính linh hoạt, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện.
Về trí tuệ nhân tạo (Điều 54 và Điều 55 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, bổ sung quy định về hạn chế rủi ro và các nguyên tắc quản lý rủi ro; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn về vấn đề quản lý rủi ro. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định về quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, hệ thống tác động lớn; sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định: Mục tiêu chính của quy định này là tạo ra dấu hiệu nhận biết (không phải là dán nhãn trên các sản phẩm thông thường) nhằm giúp người dùng nhận biết sản phẩm của hệ thống trí tuệ nhân tạo để có ứng xử phù hợp.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 55 quy định: Sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng và giao bộ quản lý chuyên ngành quy định về dấu hiệu nhận dạng; bổ sung quy định trách nhiệm của nhà cung cấp phải thể hiện rõ ràng dấu hiệu nhận dạng trên sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nêu rõ, dự thảo Luật đã đưa ra một số cơ chế, chính sách ưu đãi, như xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để ưu đãi đặc biệt cho công nghệ số trọng điểm, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho những nội dung mới như tài sản số, AI; khuyến khích đổi mới sáng tạo và loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Bên cạnh đó, có những chính sách ưu đãi cho việc chế tạo, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Việt Nam để giúp chúng ta từng bước tự chủ được về công nghệ.
Dự thảo Luật đề ra các nhóm chính sách ưu đãi đặc biệt cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, như: Ưu đãi cấp thị thực dài nhất cho những nguồn nhân lực chất lượng cao, miễn giấy phép lao động, miễn thuế thu nhập cá nhân, chính sách về tín dụng, học bổng cho sinh viên...