Chiều 22/9, tại Hà Nội, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) đã phối hợp Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Viện kinh tế (Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 6: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM6).
Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức cả trực tiếp và trực tuyến.
Hơn 130 bài viết và tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước tại hội thảo đã góp phần nhận diện, làm sáng tỏ nhiều vấn đề đặt ra và đề xuất nhiều định hướng, chính sách, giải pháp nổi bật thích ứng vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài cho yêu cầu phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa.
Đặc biệt, đa số các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất nhấn mạnh: Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn và cũng phức tạp hơn; thậm chí, ở một số lĩnh vực và khu vực đang có dấu hiệu chững lại, hoặc có bước điều chỉnh đáng kể, gắn với sự phát triển kinh tế thị trường và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc về địa chính trị và kinh tế.
Toàn cảnh hội thảo. |
Quá trình này vừa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại đầu tư quốc gia và quốc tế; vừa tạo nguy cơ làm suy giảm độc lập, tự chủ về kinh tế và quyền lực quốc gia, tăng cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa thị trường nội địa và những thách thức mới về đối ngoại, văn hóa, an ninh...
Bởi vậy, mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phát triển, với những yêu cầu thực tế và mục tiêu phát triển khác nhau cần có những cụ thể hoá mô hình phát triển bền vững khác nhau, và luôn được cập nhật bổ sung theo thời gian.
Trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã xây dựng và bước đầu thực hiện mô hình phát triển bền vững, tận dụng những thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, cần sớm được nhận diện và giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra trên tinh thần kiên định và thực hiện tốt chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh và hiệu quả cao, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và nâng cao yêu cầu bảo vệ môi trường cả ở nông thôn và thành thị.