Phát triển giao thông kết nối vùng ở Phú Thọ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ 19 xác định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là huy động tối đa các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Do vậy, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ưu tiên nguồn lực cho nhiệm vụ này, nhất là giao thông kết nối vùng, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối giữa tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay.
Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối giữa tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay.

Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi phía bắc, trung chuyển giữa vùng đồng bằng với trung du, miền núi. Những năm gần đây, hạ tầng giao thông của tỉnh được mở rộng kết nối thuận tiện từ đô thị đến nông thôn, kết nối liên vùng, liên tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhu cầu vận tải, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, Phú Thọ đã huy động đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và bảo trì 410km đường, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy thác quản lý. Nhiều dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của không chỉ riêng tỉnh Phú Thọ mà còn cả các tỉnh trong khu vực miền núi phía bắc.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, Trịnh Thế Truyền cho biết: Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho giao thông. Trong đó, nhiều tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng như các trục đường đối ngoại, kết nối liên vùng (năm nút giao đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; cầu Văn Lang); đầu tư mới 23km đường Hồ Chí Minh, 21km đường Quốc lộ 32C, 30km đường tỉnh…

Để tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối Phú Thọ với các tỉnh, thành trong khu vực. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, Trần Hoài Giang cho biết: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn.

Những định hướng đề xuất nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại. Ngoài ra các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn và phân kỳ đầu tư trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh thu hút đầu tư; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững…

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai. Trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, với việc xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm là một trong những lĩnh vực đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, hàng loạt dự án lớn đã được triển khai và đẩy nhanh tiến độ như: Tuyến đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70 đi Hòa Bình; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; tuyến giao thông liên vùng kết nối Quốc lộ 32, đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái; cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối Phú Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc…

Những công trình này sau khi hoàn thành, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố, thị xã, hình thành liên kết vùng, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai và hệ thống giao thông quốc gia, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả khu vực.

Hệ thống giao thông thuận tiện là cơ hội để tỉnh tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Việt Trì và các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn… Nhờ đó, trong năm, hoạt động du lịch phục hồi và có nhiều khởi sắc, doanh thu du lịch ước đạt 2.650 tỷ đồng.