Đề cập ý nghĩa, tầm quan trọng công tác phát triển đảng viên, chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, đồng chí Phạm Khắc Quân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, việc phát triển đảng viên, chi bộ đảng trong doanh nghiệp tư nhân không chỉ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, định hướng để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp với lợi ích người lao động, lợi ích cộng đồng. Với các tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên, Sơn La, công tác phát triển đảng viên, chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Những điểm sáng
Là doanh nhân tâm huyết với công tác đảng, ông Hoàng Văn Dũng, Bí thư Chi bộ Doanh nghiệp tư nhân điện máy Phương Nam (có trụ sở tại tổ dân phố 3, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên các khóa 12, 13 và 14. Nắm chắc các mục tiêu xuyên suốt được đại hội đảng bộ các cấp đề ra, trên cương vị giám đốc, chủ doanh nghiệp, ông Dũng chủ động hoạch định mục tiêu phát triển của doanh nghiệp theo từng giai đoạn cụ thể, gắn với mục tiêu phát triển của tỉnh Điện Biên nói riêng và đất nước nói chung.
Với trọng trách của người đảng viên, chủ doanh nghiệp, ông luôn quan tâm tìm nguồn giới thiệu cho chi bộ cơ sở những thanh niên ưu tú là nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp và quần chúng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Nhờ có sự góp sức của ông Dũng, hằng năm, chi bộ tổ dân phố 3 phường Tân Thanh đều có nguồn giới thiệu kết nạp đảng viên trong khi các tổ dân phố khác trong phường và các phường khác thường gặp khó khăn hơn. Riêng với Doanh nghiệp Phương Nam, đến tháng 10/2021 đã chính thức thành lập được chi bộ đảng, gồm ba đảng viên do ông Hoàng Văn Dũng làm bí thư chi bộ.
Ông Hoàng Văn Dũng cho biết: Từ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng (năm 2008) tôi càng hiểu thêm đường hướng phát triển do Đảng hoạch định. Được tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ tại cơ sở, được thông tin đầy đủ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chính sách pháp luật mới ban hành, tôi có thông tin lập kế hoạch hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Chi bộ Doanh nghiệp Phương Nam hiện có ba đảng viên và có nhiều quần chúng ưu tú, chúng tôi đã phân công đảng viên kèm cặp, giúp đỡ quần chúng thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để tới đây chúng tôi hoàn thiện thủ tục đề nghị kết nạp thêm đảng viên mới.
Trên thực tế, tại hai tỉnh Điện Biên, Sơn La, không có nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân tâm huyết với công tác phát triển đảng viên, phát triển chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân như ông Dũng. Chính vì thế, đến nay tỉnh Sơn La mới có 49 chi bộ, đảng bộ cơ sở trong tổng số 1.569 doanh nghiệp tư nhân; với tỉnh Điện Biên thì số doanh nghiệp tư nhân thành lập được chi bộ, đảng bộ còn khiêm tốn hơn. Đến cuối năm 2021 mới có 15 doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng, trong khi số doanh nghiệp tư nhân đã được cấp phép hoạt động tại địa bàn là 1.099 doanh nghiệp.
Đề cập khó khăn khi triển khai phát triển đảng viên, chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân, bà Lê Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: Toàn phường có hơn 100 doanh nghiệp tư nhân, nhưng đến tháng 10/2021, mới có một đơn vị là Doanh nghiệp Phương Nam thành lập chi bộ. Đây cũng chính là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên, duy nhất trong địa bàn phường quan tâm công tác đảng, đảng viên. Còn lại rất nhiều doanh nghiệp khác có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực và số lao động thường xuyên đông, nhưng họ không mặn mà với công tác phát triển đảng viên, thành lập chi bộ.
Ông Lỳ Ly Xá, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Điện Biên, cho biết thêm: Khó phát triển đảng viên tại doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là do chủ doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, ít chú ý đến công tác phát triển đảng; với công nhân, người lao động thì lại chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, chưa coi trọng mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên. Bên cạnh đó, có nguyên nhân khách quan là sự biến động thường xuyên về nguồn lao động tại các doanh nghiệp chính là trở ngại lớn cho công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng.
Tại tỉnh Sơn La, đồng chí Trần Huy Mạnh, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sơn La cho biết: Phần lớn các chủ doanh nghiệp tư nhân chưa là đảng viên; việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, công nhân, người lao động vào Đảng có kết quả chưa cao; người lao động chưa tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội…
Chủ động tạo nguồn phát triển đảng
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, rào cản công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh Điện Biên và Sơn La đã chủ động ban hành quyết định, giải pháp cụ thể phù hợp điều kiện đặc thù từng địa phương. Tại Điện Biên, giai đoạn 2008-2018, Tỉnh ủy Điện Biên đã chọn Đảng bộ thành phố Điện Biên Phủ, Đảng bộ huyện Tuần Giáo làm điểm việc kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Đến cuối năm 2018, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã kết nạp đảng được ba chủ doanh nghiệp tư nhân. Kế thừa kinh nghiệm, kết quả thí điểm kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, ngày 7/11/2019, Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Quyết định 5729-QĐ/TU phê duyệt đề án phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn.
Đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện ủy, thị ủy thành lập mới ít nhất 5 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân; riêng Thành ủy Điện Biên Phủ thành lập được ít nhất 10 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp với tổ chức đảng trong doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tư nhân xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên sao cho phù hợp đặc điểm của địa phương, đơn vị và doanh nghiệp; thường xuyên rà soát số đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân (kể cả số sinh hoạt đảng ở nơi khác) để chủ động nắm bắt, nếu đủ điều kiện thì tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thành lập chi bộ đảng. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp thành lập tổ chức đảng.
Bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 15, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết về “Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hợp tác xã tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025” với quan điểm là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn... phát triển lành mạnh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát triển đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tỉnh Sơn La cũng sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác tổ chức xây dựng Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Bám sát chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sơn La đã quan tâm từ khâu phát hiện, tạo nguồn quần chúng ưu tú. Ông Trần Huy Mạnh, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sơn La, thông tin: Về công tác tạo nguồn, các cấp ủy đảng đã làm tốt việc điều tra, khảo sát, thống kê nguồn tại các đơn vị. Theo đó, chúng tôi đã chia làm hai nhóm đối tượng quần chúng để triển khai thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên theo quy định. Do vậy, khi tạo được nguồn phải quản lý tốt, thường xuyên rà soát, bổ sung bảo đảm số lượng và chất lượng.
Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La Cầm Thị Huyền Trang thông tin: Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Sơn La đã chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, phương thức tập hợp để thu hút đoàn viên thanh niên và người lao động tham gia vào các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức.
Trong đó, chú trọng mô hình sinh hoạt phù hợp điều kiện làm việc của đoàn viên thanh niên, công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã có tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, nhưng chưa có tổ chức đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp tạo nguồn để kết nạp đảng viên, bồi dưỡng đoàn viên, giới thiệu về Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, trung tâm chính trị huyện, thành phố để mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.