Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức

Tại thành phố Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức”. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các đại học, trường đại học, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức”.
Các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức”.

Tại hội thảo, các báo cáo chính đã tập trung nêu bật những vấn đề trọng yếu của phát triển đại học bền vững: Chuyển đổi để phát triển bền vững; Đại học và cộng đồng-quan hệ đối tác chiến lược cho tương lai; Đổi mới vì mục tiêu phát triển bền vững; Toàn cầu hóa - xu hướng giáo dục bền vững trong đào tạo, nghiên cứu sáng tạo, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng phục vụ định hướng phát triển đại học bền vững...

Trong khuôn khổ hội thảo, diễn ra phiên tọa đàm bàn tròn về “Toàn cầu hóa - xu hướng giáo dục bền vững trong đào tạo, nghiên cứu sáng tạo, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng phục vụ định hướng phát triển đại học bền vững”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Tại thành phố Quảng Ngãi, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa ba tỉnh, giai đoạn 2022-2024.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh; đưa ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện quy chế phối hợp. Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục theo dõi, trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét bảo vệ rừng khu vực vùng giáp ranh; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng cho nhân dân khu vực vùng giáp ranh bằng nhiều hình thức, nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng…

Vùng 4 Hải quân phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024

Tại thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 2, Quân chủng Hải quân vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024.

Tại hội nghị, quân nhân được nghiên cứu, học tập bốn chuyên đề, gồm: Một số nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng và các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; Luật Khiếu nại, tố cáo và các quy định của Bộ Quốc phòng về khiếu nại, tố cáo; một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao dịch điện tử…

Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông thi trưng bày mô hình sách pháp luật. (Ảnh HQ)

Trên quần đảo Trường Sa, các đơn vị phối hợp tổ chức tuyên truyền; phát tờ rơi về pháp luật cho các tàu cá tại các âu tàu, làng chài…

Hội thảo về ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định và Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vừa tổ chức Hội thảo về ứng dụng công nghệ mới trong phát triển kinh tế rừng tại Bình Định. Tham dự hội thảo có hơn 50 nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, ngành, cùng đại diện chính quyền địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị như Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Trung tâm Kinh tế lâm nghiệp đã trình bày các tham luận về: Ứng dụng kỹ thuật mới trong lâm nghiệp, công nghệ nhân giống và chuyển giao công nghệ phù hợp với địa phương, ứng dụng công nghệ trong ngành gỗ Bình Định và hệ thống ITWOOD hỗ trợ chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp cùng truy xuất nguồn gốc và trao đổi, chia sẻ những tiến bộ trong lĩnh vực lâm nghiệp...

Bình Thuận đón gần 8 triệu lượt khách du lịch

Trong tháng 10, du lịch tỉnh Bình Thuận tiếp tục đón hơn 800.000 lượt khách, tăng 2,89% so với tháng trước đó và tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng khách du lịch quốc tế có khoảng 25.900 lượt khách, tăng 14,45% so với tháng trước và tăng 14,32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, tính chung từ đầu năm 2024 đến nay, ước tính Bình Thuận đón gần 8 triệu lượt khách (tăng 13,49% so với cùng kỳ năm ngoái); đối với khách du lịch quốc tế có khoảng 312.800 lượt (tăng hơn 46% so với cùng kỳ) chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ… Cùng thời gian, doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 21.240 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với cùng kỳ năm 2023.