Phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững

Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 185 km. Tổng diện tích phần nổi tự nhiên khoảng 7.578 ha, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2045 phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Sân bay Côn Đảo, nơi đón nhiều du khách đến nghỉ dưỡng.
Sân bay Côn Đảo, nơi đón nhiều du khách đến nghỉ dưỡng.

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên trên đảo

Côn Đảo đang đứng trước những thách thức trong vấn đề xử lý rác thải. Thực trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch, đe dọa toàn diện cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển ngành dịch vụ-du lịch của Côn Đảo.

Đáng lưu ý, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường bao gồm biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra”.

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những di sản lịch sử vô giá, Côn Đảo nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột của du khách và sự phát triển thiếu kiểm soát của hoạt động du lịch đang đặt ra nhiều câu hỏi về tầm quan trọng của bảo tồn di sản tại đây.

Cơ sở hạ tầng du lịch phát triển ồ ạt, ý thức bảo vệ thiên nhiên và văn hóa của du khách chưa bảo đảm, việc khai thác tài nguyên không bền vững đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng địa phương nơi đây.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Đã có những bài học trong phát triển du lịch trên thế giới để cùng nhận diện, phân tích những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải nếu không có những đánh giá kỹ lưỡng về sức tải (sức tải môi trường tự nhiên; sức tải xã hội; sức tải cộng đồng; sức tải đất đai; sức tải nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác; sức tải môi trường; sức tải sinh thái; sức tải kinh tế và sức tải phức hợp) và đặc biệt là khả năng phục hồi.

Côn Đảo cần quan tâm tới khả năng phục hồi để duy trì điểm đến trong khả năng có thể hồi phục khỏi các tác động bất lợi. Ngoài việc quan tâm tới sức tải, Côn Đảo cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để duy trì và nâng cao khả năng phục hồi cho điểm đến, xoay quanh các cấu phần cốt lõi của khả năng này, bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và năng lực thích ứng.

Thận trọng trong xây dựng đề án phát triển Côn Đảo

Theo số liệu dự kiến điều chỉnh quy hoạch chung Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt 150 lít/người/ngày-đêm thì riêng đảo Côn Sơn cần có 5.475.000 m3 nước/năm.

Về lý thuyết, muốn có lượng nước sinh hoạt này, đảo Côn Sơn cần có 5.745 ha rừng tự nhiên, trong khi hòn đảo này hiện chỉ còn 4.361,99 ha rừng tự nhiên. Đây là một con số mang nhiều ý nghĩa, nhắc nhở mọi người sống trên đảo và khách du lịch phải tiết kiệm nước, vì nước là loại tài nguyên không phải vô hạn; nước trên đảo phụ thuộc vào độ che phủ của rừng nên mọi người cần phải có ý thức bảo vệ rừng tự nhiên.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước cho rằng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần thận trọng trong phát triển Côn Đảo. Tích trữ nước ngọt là điều kiện sống còn, đồng thời không nên mở rộng khu vực dân cư. Cần tăng độ che phủ rừng, rút kinh nghiệm từ bài học phát triển du lịch ở đảo Phú Quốc từ đó có định hướng phát triển nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Kiến trúc sư Vũ Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 1, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết: Côn Đảo có nhiều điều kiện để trở thành một đô thị du lịch, sử dụng hạ tầng xanh trên cơ sở bảo tồn các di sản, di tích lịch sử văn hóa cách mạng, tính đa dạng hệ sinh thái tự nhiên nhằm phát huy các giá trị của chúng để phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh: Việc lập Đề án “Phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cần thiết để đánh giá lại thực trạng và cụ thể hóa các nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Ủy ban nhân dân tỉnh luôn cầu thị và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học giúp tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, bảo tồn di tích lịch sử cách mạng, bảo vệ thiên nhiên làm động lực để Côn Đảo phát triển bền vững.