Phát triển bền vững thương hiệu sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố hẹp và được xem như là một trong những quốc bảo của Việt Nam do có giá trị dược liệu vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới thuộc chi Panax. Được thiên nhiên ban tặng sản vật dược liệu tự nhiên đa dạng về chủng loại và quý giá này, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, phương án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh.
Người dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh.

Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, nhất là có tác dụng phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào... Bởi lẽ đó, sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, trồng 1 ha, sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt hơn 2,7 tỷ đồng. Đây được xem là cây trồng xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.

Định hướng phát triển

Xác định được sự quý hiếm của cây sâm Ngọc Linh, ngay từ năm 2013, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng diện tích quy hoạch là 31.742 ha; trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500 m trở lên là 16.988 ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm Ngọc Linh là 14.754 ha (độ cao từ 1.200 m- 1.500 m).

Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Bố trí diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn. Phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum”. Với định hướng đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã thông qua nhiều nghị quyết, phương án, tờ trình để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh tại hai huyện có chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh là Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết: Định hướng của tỉnh là phát triển bền vững sâm Ngọc Linh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển. Phát triển sâm Ngọc Linh phải theo chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn chế biến sâu với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Kon Tum cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn miền núi, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) và gắn với phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh phải gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới”, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh.

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết, hiện nay sâm Ngọc Linh đã trải qua những giai đoạn bảo tồn, thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cho nên chúng ta cần phải đẩy mạnh canh tác gieo trồng, ứng dụng khoa học để tăng sản lượng. Công ty luôn đồng hành với các nhà khoa học, nghiên cứu ứng dụng khu bảo tồn giống, trồng trọt, chế biến các sản phẩm; nâng cao năng suất, tiến tới sản xuất được hàng hóa, giảm giá thành giúp cho nhiều người được tiếp cận, sử dụng sâm Ngọc Linh.

Để sâm Ngọc Linh vươn xa

Nhằm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, trên cơ sở đề nghị của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3235/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cho hai tỉnh này. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý được bảo hộ theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT, đây là vùng lõi-nơi có độ cao từ 1.800 m -2.500 m, độ dày tầng thảm mục lớn hơn 18 cm, là vùng sâm có chất lượng tốt nhất và điều kiện tự nhiên phù hợp nhất với sự phát triển của cây sâm.

Trên thực tế, vùng phân bố sâm Ngọc Linh tại Kon Tum và Quảng Nam vượt ra ngoài vùng chỉ dẫn địa lý đã được công bố, khu vực này đều nằm trong khối núi Ngọc Linh có điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán canh tác, giống sâm trồng... tương đồng với chỉ dẫn địa lý đã được công bố. Vì vậy, ngày 30/7/2018, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049. Theo đó, tỉnh Kon Tum có 9 xã nằm trong chỉ dẫn địa lý gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp thuộc huyện Đăk Glei; Đăk Na, Măng Ri, Ngọk Lây, Ngọk Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức trao quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ cho hai công ty trên địa bàn là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh

Kon Tum Huỳnh Trung Kim cho biết, việc cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhằm giúp sản phẩm đưa ra thị trường bảo đảm cơ sở pháp lý để người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum. Phải quản lý, sử dụng tốt chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cũng như nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum để tạo điều kiện phát triển và là cách để chúng ta bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh, những năm qua, công tác bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được địa phương chú trọng và đẩy mạnh, nhằm giữ gìn thương hiệu, tránh việc bị trục lợi, làm giảm uy tín cây “quốc bảo”. Để làm được điều này, huyện đã có nhiều giải pháp, trước hết là phối hợp các công ty và chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã từng bước xây dựng hồ sơ pháp lý của vùng trồng, trong đó phải xác định mỗi hộ, mỗi doanh nghiệp phải có hồ sơ khai sinh của cây sâm Ngọc Linh. Tiếp theo, huyện sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là phải làm sao để người dân là người chủ sở hữu thật sự của rừng liên kết, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, dẫn dắt để phát triển, mở rộng vùng trồng cây sâm Ngọc Linh, làm cho cây sâm Ngọc Linh trở thành sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ làm giàu, thoát nghèo bền vững.

“Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum luôn luôn hướng đến mục tiêu là sâm Ngọc Linh của chúng ta đặc biệt tốt thì phải vươn ra thế giới. Như Hàn Quốc, Trung Quốc người ta xây dựng thương hiệu rất tốt. Hiện nay, đi đến đâu người dân trên thế giới cũng biết đến sâm của họ thì mục tiêu của chúng tôi cũng phải để sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới. Chúng tôi khẳng định thời gian tới sẽ đáp ứng được nhu cầu về sản xuất hàng hóa để sâm Ngọc Linh của chúng ta có thể đủ cho người tiêu dùng và đưa đi xuất khẩu”, ông Trần Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nhấn mạnh.

Từ một cây “thuốc giấu” của người dân địa phương, sâm Ngọc Linh hiện được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng sản phẩm quốc gia, đó là cả một quá trình. Cho đến nay, nhiều người dân đã được hưởng lợi từ cây sâm Ngọc Linh, có hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số tại chỗ thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh; nhiều hộ đã làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh, đời sống của người dân ngày càng nâng cao ■