Chuyến thăm hữu nghị chính thức lần đầu CH Chile của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, vì sự phát triển và tiến bộ của mỗi nước và khu vực.
Cùng nằm bên bờ Thái Bình Dương, quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác cùng phát triển giữa hai dân tộc Việt Nam và Chile được kết nối bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Salvador Allende từ gần bốn mươi năm trước đây, được vun đắp và phát triển qua cuộc đấu tranh chung vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ở Nam Mỹ, CH Chile là một nước có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế và chính trị khu vực, đã và đang có những đóng góp lớn cho cuộc đấu tranh của các lực lượng cánh tả và nhân dân lao động vì dân chủ và tiến bộ xã hội, chống lại bóc lột và bất công. Với diện tích lãnh thổ rộng 756.950 km2, có tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhất là đồng và gỗ, có 6.435 km bờ biển, ngoài ra còn có hơn 1,2 triệu km2 ở Nam Cực, nhưng chỉ có khoảng 16,5 triệu dân, Chile có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
Từ năm 1989, khi nền dân chủ được khôi phục, đất nước có hình "quả ớt" này, dưới sự lãnh đạo của Liên minh thống nhất, đã và đang phát triển năng động, được đánh giá là một điểm sáng ở Nam Mỹ. Nền kinh tế phát triển ổn định với mức tăng trưởng 6% liên tục suốt thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, nền kinh tế Chile bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực, nhưng lấy lại nhịp độ, mức tăng trưởng kinh tế năm 2004 và 2005 đạt 6,1% và 6%, năm 2006 giảm chút ít, còn 5,2%.
Tuy nhiên, thu nhập tính theo đầu người tăng mạnh, nếu năm 2005 là 7.000 USD/người/năm, tăng gấp hai lần so với năm 1993, thì năm 2006 là hơn 9.000 USD. Chile đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồng và sản lượng bột cá, nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh ở khu vực cũng như trên thế giới. Trong mười năm qua, Chile thu hút 64 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời số vốn đầu tư của Chile ở các nước khác lên gần 29 tỷ USD. Chile đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2015.
Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, Chile chủ động mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với các nước, ưu tiên với các nước Mỹ la-tinh khác. Những năm gần đây, Chính phủ Chile chú trọng hợp tác với các nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, tham gia tích cực các hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực, như LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phong trào Không liên kết, Tổ chức các nước châu Mỹ, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Ðông Á - Mỹ la-tinh. Liên minh thống nhất ngày càng được các tầng lớp nhân dân Chile tín nhiệm và giữ vị trí cầm quyền liên tục trong gần hai chục năm qua.
Bà M.Bachelet, đại diện của đảng Xã hội, một thành viên trong Liên minh thống nhất, đã được bầu làm Tổng thống CH Chile trong cuộc bầu cử tháng 1-2006, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ trọng trách này.
Chúng ta cảm ơn Chính phủ và nhân dân Chile về sự ủng hộ và đoàn kết quý báu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây. Ngày nay, hai nước cùng mong muốn và quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển. Hai nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch,... nhân dịp các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau trước đây.
Ðó là các chuyến thăm chính thức CH Chile của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 10-2002, của Chủ tịch nước Trần Ðức Lương tháng 11-2004 và các chuyến thăm chính thức nước ta của Tổng thống Ricardo Lagos tháng 10-2003, của Tổng thống M.Bachelet tháng 11-2006. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trên vành đai Thái Bình Dương là rất lớn. Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CH Chile của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh sẽ là động lực mới cho sự phát triển bền vững quan hệ hữu nghị, đoàn kết tốt đẹp và sự hợp tác nhiều mặt đang được mở rộng giữa hai nước Việt Nam và Chile.