Phát triển bền vững kinh tế rừng ở Nam Trung Bộ

Thời gian qua, diện tích, sản lượng rừng trồng tại các tỉnh Nam Trung Bộ phát triển nhanh và mạnh; đời sống của người dân sinh sống dựa vào rừng theo đó cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, số tổ chức, cá nhân trồng và quản lý rừng theo hướng bền vững chưa nhiều; chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp chưa hấp dẫn.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh. Ảnh: Vũ Sinh
Lực lượng kiểm lâm phối hợp Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh. Ảnh: Vũ Sinh

Các tỉnh Nam Trung Bộ đang tập trung thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, với nhiều mô hình kinh tế rừng hiệu quả. Tư duy phát triển lâm nghiệp truyền thống từng bước chuyển sang tư duy lâm nghiệp tri thức và bền vững.

Chuyển biến tích cực

Trong câu chuyện với chúng tôi về tái cơ cấu lâm nghiệp của đơn vị, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu (Phú Yên) Tôn Thất Thịnh cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020 được xem là bước chuyển từ tư duy phát triển lâm nghiệp truyền thống sang tư duy lâm nghiệp tri thức và bền vững. Đơn vị đã chuyển hơn 7.000 ha rừng trồng trong số 14.000 ha rừng do đơn vị quản lý từ mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phòng hộ sang hướng giá trị bền vững, phát huy tối đa giá trị đa năng của rừng. Hằng năm, đơn vị khai thác và trồng lại rừng theo hướng thâm canh, định hướng canh tác gỗ lớn hơn 300 ha; xây dựng phương án phát triển các loài cây bản địa có giá trị kinh tế, có giá trị trong phát triển du lịch sinh thái như trà mã dọ, sa mộc…

“Trên quan điểm dân sống trong lâm phần của ban quản lý là bộ phận không thể tách rời trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng, chúng tôi xây dựng kế hoạch, rà soát toàn bộ diện tích đã khoán trước đây hơn 800 ha; tổ chức khoán lại trên cơ sở đúng đối tượng, thành phần theo quy định về công tác khoán rừng”, ông Thịnh cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, hiện diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp ở Phú Yên có khoảng 276.045 ha; trong đó có khoảng 103.465 ha rừng trồng, năng suất bình quân khoảng 17 m3/ha/năm. Diện tích, sản lượng rừng trồng phát triển nhanh, mức thu nhập và đời sống của người dân sinh sống dựa vào rừng theo đó cũng được cải thiện đáng kể. Tỉnh Phú Yên chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát, quy hoạch lại toàn bộ diện tích rừng, đất rừng và có giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phát huy tối đa chức năng rừng. Phú Yên đang đẩy mạnh hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị phần gỗ và sản phẩm gỗ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ sau chế biến.

Tỉnh Bình Định tập trung chỉ đạo các công ty lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Kôn phối hợp với các địa phương mỗi năm trồng khoảng 8.500 ha rừng tập trung; phối hợp thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Đến năm 2020, diện tích trồng rừng gỗ lớn và diện tích chuyển đổi từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn của các công ty này đạt khoảng 2.666 ha. Một số mô hình chuyển đổi từ sản xuất gỗ nhỏ sang sản xuất gỗ lớn có trữ lượng tăng trưởng bình quân trên 25 m3/ha, cao hơn trữ lượng bình quân của tỉnh 8 m3/ha/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, nhờ làm tốt công tác trồng rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng thông qua các nguồn vốn từ nhiều chương trình khác nhau, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 45,6%. Tỉnh Ninh Thuận đã giao khoán bảo vệ rừng hơn 113.134 lượt ha/76 cộng đồng; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng hơn 4.352 lượt ha/3 cộng đồng; chuyển đổi 7.925 ha đất lâm nghiệp ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc miền núi; hỗ trợ xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để phát triển sinh kế cho cộng đồng bảo vệ và tái sinh rừng. Nhiều mô hình sinh kế chăn nuôi, sản xuất dưới tán rừng tự nhiên bước đầu phát huy hiệu quả.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Khánh Hòa trồng được 6.177 ha rừng tập trung; trong đó có 1.605 ha rừng phòng hộ, 4.572 ha rừng sản xuất và hơn 2,2 triệu cây phân tán. Độ che phủ rừng của tỉnh đạt mức 45,8%. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, trong đó có việc phủ xanh đồi trọc, bảo đảm an ninh trật tự và giải quyết việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển bền vững kinh tế rừng -0

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa (Phú Yên). 

Hướng tới phát triển rừng bền vững

Ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên), gia đình ông Trần Văn Điện có khoảng 200 ha rừng trồng, tuổi từ một đến bảy năm. Đối với rừng trồng từ ba năm trở lên, ông đang đầu tư chăm sóc, phát triển thành rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị. Gia đình tôi đang tìm doanh nghiệp để liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng nhằm chủ động hơn và tạo nguồn thu ổn định hơn, ông Điện cho biết.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảo Châu Phú Yên Trần Đăng Khoa cho biết: Công ty hiện có hơn 3.500 ha rừng trồng, trong đó có gần 2.000 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC; 2 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và đang liên doanh với Tập đoàn Econecol (Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ hiện đại, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2021. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy này, công ty tham gia góp vốn, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho 11 hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp kiểu mới, với diện tích rừng trồng từ 8.000 - 10.000 ha; cam kết bao tiêu 100% sản lượng gỗ khai thác của HTX, thành viên HTX với giá ổn định từ 10 đến 20 năm; hỗ trợ làm chứng chỉ rừng bền vững cho các HTX lâm nghiệp này.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương được UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn năm xã cánh bắc của huyện Khánh Vĩnh, với tổng diện tích hơn 39.000 ha rừng và đất rừng. Theo Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Hào, từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm công ty trồng mới hơn 500 ha rừng. Hiện công ty duy trì độ che phủ rừng trong lâm phận đạt hơn 90%. Đối với rừng sản xuất, công ty thực hiện nghiêm khai thác và trồng lại đúng chu kỳ theo các phương án được duyệt. Ở đây, các giải pháp trồng rừng gắn với bảo vệ rừng, nâng cao đời sống người dân gắn bó với rừng được thực hiện đồng bộ nên hiệu quả kinh tế - xã hội đạt khá cao. Công ty đang bảo đảm việc làm, đời sống cho 94 cán bộ, công nhân viên cũng như giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 400 lao động là người địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Định Trần Văn Phúc, tỉnh rất quan tâm đến các mô hình chuỗi liên kết đầu tư, phát triển rừng trồng giữa doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân. Từ năm 2019 đến nay, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương để năm doanh nghiệp chế biến gỗ liên kết với các chủ rừng là hộ gia đình trồng rừng sản xuất để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và tiến tới cấp chứng chỉ rừng với diện tích khoảng 50.000 ha.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 54 - 55%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế rừng theo hướng tăng tỷ trọng trồng 5.679 ha; tập trung thiết lập, quản lý và phát triển bền vững hơn 156.350 ha đất lâm nghiệp; khoán bảo vệ rừng 46.241 ha, khoanh nuôi tái sinh 3.712 ha. Giám đốc Sở NN và PTNT Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp với chăn nuôi; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng.

Có thể thấy, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị, phát triển rừng bền vững đang mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các Sở NN và PTNT vùng Nam Trung Bộ, hiện trên địa bàn, số tổ chức, cá nhân trồng và quản lý rừng theo hướng bền vững chưa nhiều nên nguồn nguyên liệu đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; việc liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; hạ tầng lâm sinh chưa được đầu tư đúng mức; doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Về những khó khăn trong phát triển kinh tế rừng, Giám đốc Sở NN và PTNT Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ: Sản xuất lâm nghiệp có chu kỳ kinh doanh dài, vốn đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao cho nên việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực trồng rừng. Hiện nay, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa trong sản xuất lâm nghiệp giữa các ban quản lý rừng phòng hộ với các doanh nghiệp cũng chưa được triển khai cụ thể, do thiếu cơ chế chính sách. Nhiều chủ rừng chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp chế biến làm trung tâm theo định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Từ thực tế đó, cần rà soát, đánh giá lại một cách khoa học toàn bộ diện tích rừng trồng theo từng điều kiện lập địa, tương ứng với từng đối tượng chủ rừng để có giải pháp quản lý, phát triển hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp.