Ngay từ quý I/2024, nhiều yếu tố mới cả bên trong và bên ngoài đã xuất hiện, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
Xuất hiện những khó khăn mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Về lạm phát, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng tăng dần, CPI tháng 1 tăng 3,37% so cùng kỳ, bình quân hai tháng tăng 3,67%, quý I tăng 3,77%. Trong những quý tiếp theo, áp lực lạm phát có thể gia tăng do tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, thực hiện chính sách cải cách tiền lương, giá nguyên vật liệu tăng... cộng hưởng với rủi ro biến động giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận chuyển đường biển, hàng không thế giới.
Trong khi đó, về tỷ giá, giá USD bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, vượt mốc 25.000 VND/USD và dự báo đà tăng chưa dừng lại do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu còn tăng cao. Bên cạnh đó, áp lực dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp và chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cũng là nguyên nhân gia tăng áp lực tỷ giá. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là những vấn đề cần theo dõi sát, chủ động có giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, thực hiện kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, lạm phát tuy chưa nóng nhưng cần thận trọng trong công tác điều hành vì đang xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát từ nay đến cuối năm. Đó là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, cho nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Cùng với đó, việc tăng lương cơ sở sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên cũng là yếu tố gia tăng áp lực lên lạm phát...
Chủ động, linh hoạt trong điều hành
Theo dự báo của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), điểm tích cực là nhiều khả năng lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát như giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt; giá dầu dự báo ở mức tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2023; cung tiền tăng nhưng vòng quay tiền còn chậm, dự báo khoảng 0,7-0,9 lần. Bên cạnh đó, dự báo tỷ giá sẽ ổn định hơn và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.
PGS, TS Lê Thanh Tâm, Trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định tỷ giá sẽ có xu hướng tiếp tục tăng nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Để hỗ trợ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục duy trì cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định và phù hợp diễn biến của thị trường; thường xuyên cập nhật, can thiệp tỷ giá trên cả hai chiều nhằm hấp thu hiệu quả các cú sốc bên ngoài. Giải pháp quan trọng khác là củng cố dự trữ ngoại hối, tiếp tục đa dạng hóa rổ tiền tệ, giảm dần sự phụ thuộc chỉ vào đồng USD; tăng cường giám sát vĩ mô và vi mô đối với các tổ chức tín dụng để bảo đảm sự phát triển an toàn bền vững của cả hệ thống.
Trước diễn biến bất lợi gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành liên quan chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh.
Đồng thời đánh giá kỹ những tác động lên lạm phát, chi phí sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân để có phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, dịch vụ công phù hợp, tránh giật cục, bị động; bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện phù hợp, ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra.
Áp lực lạm phát năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy (trong đó, lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2024 sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,03 điểm phần trăm) và cả yếu tố cầu kéo khi cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm trước cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 dự báo tăng trưởng cao hơn trong khi lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu. TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV |