Phát triển bền vững kinh tế du lịch tại Hải Tiến

NDO - Hải Tiến là một khu du lịch biển thuộc huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km, nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Tuy nhiên, biển Hải Tiến vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch mà chưa được “đánh thức”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh bãi biển Hải Tiến.
Toàn cảnh bãi biển Hải Tiến.

Bỏ ngỏ tiềm năng

Khu du lịch Hải Tiến khi mới đưa vào khai thác cách đây hơn 10 năm chỉ có diện tích rất nhỏ. Sau nhiều lần điều chỉnh, Hải Tiến được quy hoạch định hướng phát triển thành khu đô thị có diện tích hơn 2.600ha vào năm 2030, với không gian phát triển chính về phía tây và nam, kết nối với thành phố Sầm Sơn để hình thành dải du lịch ven biển từ Hải Tiến đến Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Biển Hải Tiến còn được kết nối với nhiều quần thể di tích lịch sử văn hóa trong vùng như: Khu du lịch văn hóa tâm linh Lạch Trường-Hoàn Bò; Đền thờ Trạng Quỳnh; các di tích lịch sử cách mạng như: Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, cồn Ba Cây, cồn Mã Nhón,…

Hiện nay ở Hải Tiến đã có nhiều cơ sở hạ tầng du lịch đẹp sang trọng và hiện đại mọc lên đã biến vùng đất cát hoang sơ trở nên đẹp nên thơ và lãng mạn, để du khách khám phá và tận hưởng những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi thoải mái. Điều thú vị là du khách du lịch có thể lựa chọn cho mình những biệt thự riêng biệt hay khách sạn tiêu chuẩn.

Từ chỗ chỉ có một vài cơ sở lưu trú du lịch, đến nay khu du lịch biển Hải Tiến đã có gần 80 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 6.500 phòng nghỉ, trong đó có 32 khách sạn được xếp hạng từ 1-3 sao, nổi bật như: Resort Hải Tiến, Paracel Resort Hải Tiến, Khách sạn Ánh Phương… Chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú được cải thiện rõ rệt, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch được các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tham gia.

Phát triển bền vững kinh tế du lịch tại Hải Tiến ảnh 1

Phát triển kinh tế du lịch biển phải gắn với bảo vệ môi trường.

Hằng năm, khu du lịch Hải Tiến thu hút lượng khách lớn đến nghỉ dưỡng, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho thấy, giai đoạn năm 2015-2019, tổng lượng khách du lịch đến Hải Tiến đạt trên 5 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng đạt 31,2%/năm, tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, lượt khách du lịch đến với Hải Tiến gấp 16,2 lần so năm 2012, tổng thu du lịch gấp 67,1 lần so năm 2012. Sau 2 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 nhưng Hải Tiến được ghi nhận là điểm đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách. Trong năm 2022 khu du lịch Hải Tiến đã đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, với tổng thu du lịch đạt 2.064 tỷ đồng.

Việc thay đổi diện mạo của khu du lịch Hải Tiến đã đánh dấu những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong công tác quy hoạch du lịch đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, điển hình là các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, các công trình giao thông kết nối với Hải Tiến.

Hiện nay, ngoài 6 nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, Hải Tiến đã thu hút được hơn 30 nhà đầu tư thứ cấp triển khai các dự án nhà hàng, khách sạn, dịch vụ đường thủy, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải…

Tháo gỡ những bất cập

Song, dù có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch biển, nhưng hiện nay khu du lịch Hải Tiến mới chỉ khai thác một phần nhỏ. Việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều.

Bên cạnh đó, những bất cập về môi trường, về quy hoạch, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá… là điều đáng lưu ý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan, để có được khu du lịch biển Hải Tiến như hiện nay, vai trò của các nhà đầu tư đã triển khai các dự án trên địa bàn trong những năm qua là rất lớn. Trong đó phải kể đến Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến với việc tiên phong đầu tư khu du lịch Hải Tiến, biến một vùng hoang sơ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, sôi động, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh.

Phát triển bền vững kinh tế du lịch tại Hải Tiến ảnh 2

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan.

Không chỉ tạo bước đột phá, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khác, doanh thu từ hoạt động du lịch của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến đã đóng góp nhiều tỷ đồng vào ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Để phát triển kinh tế du lịch biển ở Hải Tiến trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị thế cạnh tranh cao so với các điểm đến trong nước và một số nước trong khu vực thì Hải Tiến cần được nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để đẩy mặt bằng giá dịch vụ và tăng khả năng chi tiêu của du khách, đặc biệt là hướng tới dòng khách khách quốc tế có khả năng chi trả cao.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Trong những năm gần đây, bất động sản tại khu vực biển Hải Tiến đang được các nhà đầu tư săn đón và đầu tư rất mạnh mẽ. Với những tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển, với những quy hoạch hạ tầng trong tương lai, Hải Tiến hứa hẹn là một mảnh đất mới của du lịch biển tại phía bắc. Từ định hướng này, vùng biển Hải Tiến đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư có tiềm năng như: Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Evarland...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Tiến, TS. Lê Xuân Thảo - người đặt “nền móng”, khai phá tiềm năng du lịch biển tại Hải Tiến nhìn nhận, muốn phát triển bền vững kinh tế du lịch ở Hải Tiến thì các doanh nghiệp phải xác định triển khai theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan chung quanh. Một mặt phải luôn bám sát quy hoạch, mặt khác phải kịp thời điều chỉnh quy hoạch nếu xuất hiện những vấn đề mới, có đủ cơ sở khoa học cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế du lịch của Hải Tiến.

Phát triển bền vững kinh tế du lịch tại Hải Tiến ảnh 3

TS. Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Tiến.

Vì vậy, chính quyền các cấp cần kiên quyết xử lý các công trình xây dựng sai quy hoạch, không bảo đảm kiến trúc, thẩm mỹ hoặc làm phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch tại Hải Tiến. Phát triển bền vững kinh tế nói chung, kinh tế du lịch ở Hải Tiến nói riêng luôn phải bảo đảm yếu tố môi trường. Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao thì không chỉ nhu cầu du lịch tăng lên, mà còn đòi hỏi chất lượng các sản phẩm du lịch cũng phải tăng lên tương ứng.

TS. Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Tiến

Song song với việc phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, thời gian tới để du lịch Hải Tiến trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch; tăng cường huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, nhất là công trình giao thông kết nối Hải Tiến với thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Hậu Lộc; tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn-Hoằng Hóa.

Đồng thời, chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, xây dựng cảnh quan gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn với phát triển đô thị; đồng thời dành nguồn lực đầu tư tôn tạo các cơ sở lịch sử, văn hóa, cách mạng, xây dựng các sản phẩm du lịch, gắn du lịch nghỉ dưỡng biển với du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa để tăng tính đa dạng, phong phú, từng bước khắc phục hạn chế du lịch một mùa; hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch biển Hải Tiến văn minh, thân thiện.