Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc năm ngoái tại Glasgow, Scotland, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cam kết tới năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane của mức năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít những kế hoạch rõ ràng được vạch ra để đạt được mục tiêu toàn cầu này.
Trong khi đó, các nhà khoa học sử dụng vệ tinh quan sát đã phát hiện ra các nguồn phát thải khí methane mới, gồm sự phát thải từ các giếng dầu và các đường ống khí đốt tự nhiên.
Khoảng 60% lượng khí methane trong bầu khí quyển là từ các nguồn công nghiệp, bao gồm các đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt, các bãi khoan, cũng như các lô thức ăn chăn nuôi, đất trồng trọt và bãi chôn lấp.
Các nghiên cứu ngày càng chỉ ra rằng việc giảm phát thải khí methane là rất quan trọng để giữ sự nóng lên của trái đất trong khoảng 2 độ C so với mức nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.
Sau nhiều thập kỷ bỏ qua vấn đề này, các nhà khoa học hiện nay hiểu rằng khí methane mạnh hơn rất nhiều khí CO2 như một khí nhà kính có vòng đời ngắn. Khí methane lưu lại trong bầu khí quyển khoảng 1 thập kỷ rồi mới phân hủy trong khi khí CO2 tồn tại nhiều thế kỷ.
Các nhà khoa học thường so sánh tác động làm ấm trái đất của khí methane và CO2 trong hơn một thế kỷ, và nhận thấy rằng khí methane có hại hơn 28 lần. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, trong thời gian hơn 20 năm, khí methane độc hại hơn tới 80 lần.
Tác động khí hậu do khí methane đưa lại đang gây lo ngại gấp đôi bởi vì trái đất đang gần tới việc vượt qua “các điểm tới hạn” mà ở tại đó các vòng lặp phản của khí hậu bắt đầu làm cho tình trạng ấm lên toàn cầu kéo dài.
3/5 lượng khí thải methane ước tính được trên thế giới là từ hoạt động của con người; phần còn lại là từ các nguồn tự nhiên như đầm lầy.
Theo dữ liệu của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch, trong số lượng khí thải do con người gây ra, 2/3 là từ chăn nuôi gia súc và nhiên liệu hóa thạch, phần lớn còn lại là từ chất thải phân hủy cũng như trồng lúa.
Nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng, thực tế các nguồn phát như mỏ dầu và khí đốt, các bãi chôn lấp và các trại chăn nuôi thải ra lượng khí methane cao hơn mức mà các cơ quan ghi nhận được.
Trong khi các nhà khoa học có thể đo lường chính xác mức khí methane trong khí quyển, thì đối với các nhà hoạch định chính sách, việc biết được nguồn phát thải khí methane là điều tối quan trọng trong việc tìm cách áp đặt các quy định nhằm giảm lượng khí thải.
Hiện, các công ty và quốc gia sản xuất dầu mỏ đang vận động hành lang mạnh mẽ để lấy khí đốt tự nhiên làm "nhiên liệu cầu nối" cho năng lượng tái tạo khi thế giới tiến hành quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch để chống lại biến đổi khí hậu. Họ lập luận rằng: so với than đá, việc đốt khí tự nhiên thải ra một nửa lượng carbon trên mỗi kilowatt giờ.
Nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng, sự rò rỉ khí methane trong ngành công nghiệp khí đốt từ các tấm đệm khoan, đường ống dẫn, máy nén khí và các cơ sở hạ tầng khác gây hại cho khí hậu hơn là than đá.