Huyện Lạc Sơn có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất tỉnh Hòa Bình với 23 xã, một thị trấn, trong đó có 252 thôn, xóm, khu phố. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm khoảng 92% tổng dân số. Theo rà soát, huyện hiện có 249 người có uy tín. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Sơn đã triển khai thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín; vận động họ phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư, trong dòng họ và đời sống xã hội.
Huyện cũng quan tâm thực hiện tốt các chính sách cho người có uy tín như: cấp phát báo, tạp chí; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần kịp thời mỗi khi họ ốm đau và nhân dịp các ngày lễ, Tết; tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức; kịp thời biểu dương, khen thưởng người có uy tín là những tấm gương sáng trên các lĩnh vực.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng ở xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng là một trong những người có uy tín tiêu biểu tham gia tích cực các hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Lạc Sơn khóa 20, nhiệm kỳ 2021-2026. Được nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín từ năm 2020, ông Vọng đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xuất hiện điểm nóng.
Ông Vọng chia sẻ: “Vinh dự khi được người dân bình bầu trở thành người có uy tín, bản thân tôi cần tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu trên các lĩnh vực, tích cực trau dồi kiến thức để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc của người dân tại cơ sở. Đồng thời với vai trò là người nghiên cứu văn hóa, tôi mong muốn tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường cho các thế hệ con cháu”.
Việc phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Hòa Bình quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tốt. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2022, các ngành, chức năng đã mở 98 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, 303 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin thu hút hơn 7.600 lượt người có uy tín tham gia; tổ chức 39 đoàn tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh; tổ chức gần 2.000 cuộc thăm hỏi, động viên, trao quà nhân dịp lễ, Tết cho người có uy tín và thân nhân; khen thưởng, biểu dương kịp thời 79 người có uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương.
Đội ngũ người có uy tín là già làng, trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ, cán bộ nghỉ hưu, trưởng dòng họ... có nhận thức và được rèn luyện qua quá trình tham gia cách mạng và các phong trào của địa phương. Từ thực tế đó, lực lượng người có uy tín có khả năng tập hợp người dân, là những nhân tố tích cực trong việc triển khai các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như giúp đồng bào xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu. Họ đồng thời là những hạt nhân nòng cốt trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nêu gương sáng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, hiện số lượng người có uy tín có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên tại Hòa Bình chiếm đa số. Người có uy tín trong độ tuổi này, sức khỏe không ổn định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đang đứng trước nguy cơ già hóa mà chưa có người thay thế. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với người có uy tín còn ở mức thấp, chưa thỏa đáng với những đóng góp đối với cộng đồng dân cư...
Thực tế cho thấy đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ để cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân; vận động đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, không nghe, không tin và không theo tổ chức bất hợp pháp, các tà đạo... Tại một số địa bàn dân cư đã xuất hiện những tấm gương trẻ tiêu biểu làm kinh tế giỏi, những người không chỉ biết làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ người dân cùng vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, họ là những người nhiệt tình, sôi nổi trong hoạt động cộng đồng. Đây chính là lớp trẻ, thế hệ kế cận được người dân trên địa bàn tín nhiệm và học tập.
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong tình hình mới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người có uy tín. Trước hết là việc lựa chọn, công nhận người có uy tín phải là những người được đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Đồng thời, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm động viên, tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng dân cư; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.