Bài 2: Nâng chất lượng giám sát, phản biện
Cùng với đó, sự thay đổi nhanh của cuộc sống, chiến lược, chính sách cũng yêu cầu những người làm công tác Mặt trận không ngừng tự làm mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống.
Những chuyển biến tích cực
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Kim Yến cho biết: Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, từ quý IV năm trước, Mặt trận Tổ quốc sẽ trình Thường trực Thành ủy một số vấn đề cần giám sát trong năm tới, khi Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý thông qua sẽ gửi và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp giám sát phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương.
Trước các kỳ họp định kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc sẽ tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị mà cử tri quan tâm, bức xúc nhất để đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp giải quyết. Giai đoạn 2019-2022, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố đã phối hợp tổ chức 500 cuộc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau, thu hút hơn 75.500 lượt cử tri tham dự, trong đó có gần 3.000/3.500 ý kiến, kiến nghị đã được trả lời, giải quyết.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, giai đoạn 2019-2022, Mặt trận các cấp đã chủ trì tổ chức giám sát 20 nội dung với 2.661 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, trong đó tập trung vào các lĩnh vực “nóng” như: giao thông, y tế, môi trường đô thị, chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19,... qua đó, đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế, kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật.
Theo thống kê, gần 2.000 ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan các cấp giải quyết. Bên cạnh đó, nhằm đổi mới nội dung, phương thức giám sát, từ năm 2018 đến 6/2022, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc thành phố thực hiện giám sát kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với cơ quan hành chính, địa phương từ đơn vị độc lập.
Với việc lấy 52.800 phiếu khảo sát từng giao dịch hành chính tại các cơ quan, đơn vị được chọn giám sát, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã báo cáo, kiến nghị, đề xuất lãnh đạo thành phố nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng hành chính, thái độ phục vụ, hiệu quả phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, trong giai đoạn 2013-2018, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 3.578 cuộc giám sát; Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức hơn 2.100 cuộc giám sát tập trung; các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cũng tổ chức hàng chục nghìn cuộc giám sát ở nhiều lĩnh vực, vấn đề lớn của thành phố.
Cần giám sát, phản biện thực chất
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp chính quyền các cấp thấy được những bất cập, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động của hai chức năng quan trọng này vẫn bộc lộ không ít hạn chế.
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khóa 11 (2019-2024), lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố thẳng thắn thừa nhận hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong thực tế vẫn chưa thật sự bài bản, nền nếp, chưa thể hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân; nhiều lúc chưa phát huy được sức mạnh của các tổ chức thành viên, thậm chí vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện; nhiều đề xuất, kiến nghị giám sát, phản biện xã hội chưa được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết thỏa đáng; một số cán bộ làm công tác giám sát còn né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.
Ở nhiều cơ quan, địa phương, việc giám sát, phản biện xã hội chỉ dựa vào báo cáo, không có thông tin cụ thể vì không đi nghiên cứu thực tế. Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng, một hạn chế lớn khác nữa là năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ Mặt trận các cấp chưa đáp ứng yêu cầu; chưa phát huy được vai trò, trí tuệ của các ủy viên, các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học... cũng ảnh hưởng nhất định đến kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Thực tiễn triển khai giám sát, phản biện xã hội nhiều năm qua cho thấy, những bài học kinh nghiệm Mặt trận Tổ quốc các cấp có thể ứng dụng như: thay vì trải đều ở tất cả các lĩnh vực, Mặt trận cần xác định trọng tâm, trọng điểm; rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân.
Cùng với đó, hoạt động giám sát cần tăng cường bám sát thực tế, thu thập thông tin nhiều hơn thay vì chỉ thực hiện trong phòng họp hoặc nghe báo cáo. Các kiến nghị sau giám sát được phản hồi, Mặt trận cần tiếp tục theo dõi tiến độ giải quyết, như thế, hoạt động giám sát sẽ trở nên “nặng ký và có trọng lượng hơn” đối với đơn vị được giám sát. Thực tiễn triển khai hoạt động giám sát, phản biện, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất một số nội dung để công tác giám sát, phản biện xã hội được triển khai hiệu quả hơn.
Trong đó, đề xuất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi chế độ hỗ trợ, tăng sinh hoạt phí đối với ủy viên các cấp. Đối với chuyên gia có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực khi tham gia giám sát với nhiều nội dung phức tạp, đa dạng nhưng mức hỗ trợ chưa tương xứng với chất xám họ bỏ ra trong mỗi lần tham gia giám sát.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải yêu cầu Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ giám sát; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc phối hợp giám sát và chịu sự giám sát của nhân dân thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Các nội dung, phương thức giám sát cần tiếp tục đổi mới theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, trong đó, các nội dung, chuyên đề giám sát phải là những nội dung được dư luận xã hội, người dân quan tâm; ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
(*) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16/6/2023.