Đầu năm 2023, dự án thành phần cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau được khởi công. Trong đó, tuyến chính qua địa phận Cà Mau dài 21,9km, ảnh hưởng đất đai của 502 hộ dân tại các xã Thới Bình, Tân Phú, Hồ Thị Kỷ thuộc huyện Thới Bình, tổng diện tích thu hồi là 140ha.
Đảng viên đi trước
Ấp 8 của xã Thới Bình có 72 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến chính cao tốc. Từ cuối năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã tổ chức nhiều cuộc họp dân triển khai chủ trương, phương án thu hồi đất phục vụ làm đường. Qua đó đảng viên cơ sở được quán triệt chủ trương, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân chấp hành.
Chi bộ và các đoàn thể ấp 8 “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân, chỉ rõ những lợi ích khi có tuyến đường cao tốc ngang qua địa phương mình.
Nhờ đó, việc thu hồi đất nhận được đồng thuận cao từ các hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Trương Văn Ni, đảng viên Chi bộ ấp 8 có hơn 3.000m2 đất bị thu hồi phục vụ công trình, chia sẻ: “Giữa đồng không hiu quạnh mà có đường cao tốc băng qua thì còn gì bằng, lợi ích nhiều thứ lắm. Vì lẽ đó, ngay khi chốt phương án giải tỏa bồi hoàn, tôi chấp hành ngay việc bàn giao mặt bằng để công trình sớm triển khai”.
Bằng cách làm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà đến nay, 72 hộ dân của ấp 8 đã đồng thuận phương án đền bù, bàn giao mặt bằng cho dự án.
“Việc chấp hành chủ trương lan tỏa dần từ các hộ đảng viên đến quần chúng nhân dân. Một số hộ đảng viên trong ấp còn vận động người thân, họ hàng, chòm xóm thực hiện tốt chủ trương thu hồi đất”, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 8 Trần Tuấn Kiệt đánh giá.
Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, đến ngày 25/5 vừa qua, tuyến chính cao tốc Hậu Giang-Cà Mau qua địa bàn huyện Thới Bình đã chi trả tiền theo phương án được duyệt được 485/502 hộ, diện tích mặt bằng sạch là hơn 135ha, đạt 96,57% tổng diện tích đất cần thu hồi.
Trong đó, diện tích đã ký biên bản bàn giao cho đơn vị triển khai dự án là 133ha/140ha, đạt 95% tiến độ. Bí thư Huyện ủy Thới Bình Huỳnh Quốc Hoàng cho biết, để sớm có mặt bằng sạch phục vụ dự án cao tốc, thời gian qua, Thường vụ Huyện ủy thành lập ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Việc chấp hành bàn giao mặt bằng khá thuận lợi, đến nay không có vụ việc khiếu nại tập trung đông người. Trong số các hộ bàn giao sớm có hơn 400 hộ được khen thưởng, trong đó có 40 hộ gia đình đảng viên.
Vì lợi ích tốt nhất cho dân
Thực tiễn ở Cà Mau thời gian qua cho thấy, với các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là khâu phức tạp và khó khăn, rất dễ phát sinh khiếu kiện về đất đai, vô tình làm chậm tiến độ dự án.
Gần đây, ban bồi thường, giải phóng mặt bằng các cấp có sự tham gia ngay từ đầu và xuyên suốt của lực lượng dân vận, Mặt trận Tổ quốc và một số đoàn thể liên quan; sâu sát công việc, kịp thời tham mưu xử lý các tình huống phát sinh. Hệ thống dân vận các cấp ở Cà Mau được quán triệt bám sát phương châm “gần dân, sát dân” trong tuyên truyền, vận động, đặc biệt là việc chấp hành chủ trương về đất đai.
Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lượng đã chia sẻ câu chuyện về ba hộ dân ở xã Tân Phú và Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình): Cả ba hộ đều đồng thuận chủ trương bàn giao mặt bằng cho tuyến chính cao tốc nhưng không chịu nhận tiền vì còn yêu cầu thêm về chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi.
Trực tiếp xuống tham gia tuyên truyền cùng ấp, đồng chí đã phân tích rõ quyền lợi và khuyên người dân nên nhận số tiền mỗi người gần một tỷ đồng rồi mang đi gửi ngân hàng, bởi số tiền lãi chỉ sau vài tháng còn cao hơn nhiều so với phần yêu cầu bổ sung. Người dân nghe thấu tai nên đã đồng thuận nhận tiền.
Tháng 2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU huy động sự chung tay, gương mẫu, tự giác chấp hành chủ trương trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên..., đặc biệt là vai trò người đứng đầu các đơn vị trong giám sát thực hiện.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau Lưu Văn Vĩnh, trên tinh thần chung của Chỉ thị số 07, năm 2022, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế của mình đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ và lan tỏa rõ nét từ nội bộ đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Gần đây, rất nhiều vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng được nhanh chóng tháo gỡ, góp phần giúp nhiều công trình trọng điểm triển khai đúng tiến độ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.