Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ ở Tuyên Quang

Chủ động xây dựng đề án, phương án quy hoạch cùng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển, bố trí cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và từng thời điểm cụ thể. Cách làm ấy của Tuyên Quang đã giúp tỉnh phát huy hiệu quả vai trò đội ngũ cán bộ nữ trong thời gian vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Hội viên Hội Phụ nữ Tuyên Quang tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo.
Hội viên Hội Phụ nữ Tuyên Quang tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo.

Đối với các xã thuộc địa bàn các huyện vùng cao như Na Hang, công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng nhiều năm trước đây gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những cán bộ không có trình độ chuyên môn, tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ rất thấp. Thực hiện các giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, Huyện ủy Na Hang đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ thôn, bản, ưu tiên những người có trình độ, năng lực, trẻ, nữ để quy hoạch. Đồng thời tiến hành giao nhiệm vụ để thử thách, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đến nay Na Hang không chỉ bảo đảm về cơ cấu cán bộ nữ, mà trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nữ cũng tăng rõ rệt. Theo đó, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là nữ cấp huyện chiếm 64,8%; cấp xã, thị trấn chiếm 27,9%.

Không chỉ tại Na Hang, trong ba nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp từ 2010-2015 đến nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy tỉnh Tuyên Quang đạt từ 27,5% đến 29,2% (mỗi nhiệm kỳ có ít nhất hai cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nhiệm kỳ 2020-2025 có ba đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có một đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy); cấp ủy huyện đạt từ 19,8% đến 21,5%; cấp ủy cơ sở từ 22,4% đến 25,8% và được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cao trong cả nước.

Trong ba nhiệm kỳ của Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp từ 2011 đến nay: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm từ 33,3% đến 66,6%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh từ 41,82% đến 46,55%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện từ 34,4% đến 42,5%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã từ 26,3% đến 38,4%.

Để có được kết quả này, mỗi nhiệm kỳ đại hội, các cấp ủy đều ra chủ trương, nhiệm vụ cụ thể về việc đào tạo, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; chủ động xây dựng chương trình hành động; đề án, phương án quy hoạch cán bộ; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và từng thời điểm cụ thể để thực hiện. Đồng thời, gắn với nhân sự đại hội đảng bộ các cấp các nhiệm kỳ, bảo đảm tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu cán bộ nữ.

Điển hình như thành phố Tuyên Quang là một trong những địa phương có tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy, chính quyền cao nhất toàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn hơn 30%; cấp cơ sở hơn 40%; tỷ lệ đảng viên nữ trong toàn Đảng bộ chiếm 47%. Hay như huyện Sơn Dương cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo cao của tỉnh. Để bảo đảm cơ cấu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, trong quá trình quy hoạch, lựa chọn cán bộ nữ, huyện luôn thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan để tránh những vấn đề phức tạp nảy sinh.

Xã Trường Sinh có hơn 30% là cán bộ nữ. Những năm qua, cán bộ nữ ở xã đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ; tham gia xây dựng được 25 mô hình “Viên gạch hồng” tại các chi hội. Đến nay, toàn xã đã có 800 hộ dân có nhà tắm hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 72,3%; 706 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 63,8%. Kết quả này đã góp phần đưa xã Trường Sinh hoàn thành tiêu chí về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang Ma Thế Hồng cho biết, đạt được kết quả này là do trong công tác nhân sự phải thực hiện đúng nguyên tắc, nhất quán về quan điểm giữa công tác quy hoạch cán bộ với việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ. Cùng với đó, tăng cường công tác luân chuyển cán bộ nữ để rèn luyện, bồi dưỡng; khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử phải chủ động xác định tỷ lệ, chọn những đồng chí có phẩm chất, đạo đức tốt, có kiến thức, năng lực và triển vọng phát triển để thực hiện luân chuyển, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai gắn kết và liên thông giữa quy hoạch của tỉnh và quy hoạch cấp huyện, quy hoạch các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động tạo nguồn cán bộ từ xa để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Kiên quyết không phê duyệt quy hoạch cán bộ đối với các huyện ủy, thành ủy quy hoạch cán bộ chưa bảo đảm tỷ lệ về cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và những nơi đưa cán bộ nữ vào quy hoạch chỉ là hình thức, không có tính khả thi. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nhằm phát hiện những nhân tố mới có triển vọng bổ sung vào quy hoạch, đồng thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không có khả năng phát triển.