Việc mức tăng trưởng thấp đã được dự báo trước, tuy nhiên, con số 0,7% là quá thấp so với dự đoán ban đầu. Trong ba tháng đầu năm 2023, thị trường tài chính trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm.
Trong quý I, thành phố có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%), số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 22,81% so cùng kỳ. Trong buổi họp tình hình kinh tế-xã hội quý I, hay tại Hội nghị Ban Chấp hành Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 (mở rộng) mới đây, các đại biểu, chuyên gia kinh tế đã phân tích rõ những khó khăn, trở ngại đang gặp phải, cũng như nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không đạt như kỳ vọng.
Trong nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan vẫn là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển trong quý I vừa qua. Bất động sản tiếp tục đóng băng, giải ngân đầu tư công chậm, việc kích cầu thị trường nội địa chưa đạt yêu cầu, những vướng mắc, tồn đọng của người dân, doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời… Ðây là "lực cản" kìm hãm sự tăng trưởng của thành phố, khiến nhiều chỉ tiêu về kinh tế giảm sâu, chưa đạt như mong đợi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chia sẻ chất lượng thực thi công vụ ở nhiều nơi, nhiều bộ phận chưa đạt như mong muốn do công việc quá nhiều hoặc do một số cán bộ, công chức, viên chức còn e ngại khi thực thi công vụ. Do đó, cần có giải pháp để khắc phục tâm lý e dè, khuyến khích cán bộ công chức "dám nghĩ, dám làm" để giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn.
Có thể nói, nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có độ mở rất cao và độ nhạy cảm gần như đồng thời với kinh tế thế giới, thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua. Chính vì thế, trước sự biến động khó lường của tình hình thế giới, trong thời gian tới, thành phố phải chủ động đề ra những giải pháp hợp lý, hạn chế những rủi ro làm ảnh hưởng đến sự phát triển của mình.
Thành phố cần giải quyết hiệu quả những yếu tố chủ quan, những tồn tại, vướng mắc từ bên trong. Ðồng thời, cần tập trung đẩy mạnh tăng đầu tư công, thực hiện từng dự án đầu tư công với nhiệm vụ cụ thể trong từng mốc thời gian; chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; chú ý những giải pháp chủ quan trong tầm kiểm soát kết hợp quan sát các tác động bên ngoài, tránh phiến diện, thiếu tầm nhìn. Trong đó, cần tập trung giải quyết những vụ việc có liên quan các dự án bất động sản, nghiên cứu thị trường nội địa và các vùng lân cận thành phố; tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng.
Một trong những giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật, kỷ cương hành chính; quan tâm công tác khen thưởng đột xuất, khi có sáng kiến, sáng tạo đặc biệt… Người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tăng cường trách nhiệm, chủ động rà soát, bám sát nhiệm vụ được giao, bổ sung chương trình hành động giải pháp thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ trong quý II, tập trung những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá cán bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, có tác động không nhỏ đến tăng trưởng chung của cả nước. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, thành phố cần phát huy mạnh mẽ tinh thần "Thành phố vì cả nước, thành phố cùng cả nước", năng động, sáng tạo vượt qua mọi thử thách để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.