Ở huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), mọi người đều biết đến gia đình ông Đỗ Văn Ngôn, bà Đỗ Thị Tâm ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh là “Gia đình học tập” tiêu biểu trong phong trào khuyến học của huyện. Ông, bà có ba người con thì cả ba đều thành đạt, có trình độ đại học và trên đại học.
Trong đó, người con thứ ba, sinh năm 1984, hiện là giáo sư, giảng dạy tại Trường đại học Nazabaep, Cộng hòa Kazakhstan. Không những nuôi dạy con trưởng thành, trở thành người có ích cho quê hương, đất nước, ông Ngôn còn được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Việt Yên. Gia đình ông là tấm gương sáng về công tác khuyến học của địa phương, đã “chắp cánh ước mơ” cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường. Gia đình ông Ngôn cũng vận động các dòng họ ở thôn, xây dựng quỹ khuyến học để động viên, khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt (quỹ này do ông bà tiết kiệm từ nguồn tiền lương hưu và tiền mừng tuổi đầu năm).
Tại Mường Tè, huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, dòng họ Pờ, xã Mù Cả là một trong nhiều dòng họ có truyền thống lâu đời khuyến học, khuyến tài và là tấm gương sáng trong việc thực hiện phong trào “Dòng họ hiếu học”. Từ nhiều năm nay, dòng họ Pờ thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con, cháu, coi việc học là tài sản vô giá của mỗi gia đình và của dòng họ.
Năm 2005, ban khuyến học, khuyến tài của dòng họ Pờ được thành lập với số hội viên là tám người. Ban khuyến học có mục tiêu tạo nguồn quỹ để khen thưởng con, cháu là học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, từng bước tạo động lực để con em các gia đình đi học đầy đủ hơn và tự giác hơn trong việc học. Nhờ sự quan tâm của ban khuyến học, nhiều con, cháu dòng họ Pờ hiện là cán bộ, sĩ quan trong các lực lượng vũ trang trong và ngoài huyện.
Đến nay ban khuyến học đã lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, với hơn 30 hội viên. Ban khuyến học họ Pờ đã xây dựng quy chế khen thưởng cụ thể hơn cho từng đối tượng. Hằng năm, vào các dịp khai giảng năm học mới, tổng kết năm học, dòng họ Pờ phát thưởng cho con, cháu có thành tích xuất sắc trong học tập, với mức thưởng từ 50 nghìn đồng đến một triệu đồng. Với những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, dòng họ Pờ được các cấp xã, huyện cấp giấy khen và được công nhận là dòng họ “Hiếu học” điển hình của Mường Tè.
Trong khi đó, sau 5 năm thực hiện đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, Trường tiểu học Tô Hiệu (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được ghi nhận là “Đơn vị học tập” tiêu biểu. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bình Gia Nông Thanh Thiện, từ năm 2016 đến nay, Chi hội khuyến học Trường tiểu học Tô Hiệu luôn đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” tiêu biểu, chất lượng giáo dục của trường ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, khẳng định vị trí, uy tín so với các trường trong huyện.
Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai xây dựng kế hoạch “Đơn vị học tập” lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn, vì vậy, trong những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên đã không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng về “Đơn vị học tập” trong “Xây dựng xã hội học tập”của huyện Bình Gia, được Hội Khuyến học huyện và tỉnh Lạng Sơn ghi nhận, biểu dương, khen thưởng hằng năm.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, việc triển khai hiệu quả một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2005-2010 và giai đoạn 2012-2020 với những đề án thành phần, trong đó có đề án do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì và làm nòng cốt là xây dựng bốn mô hình học tập: Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập. Kết quả triển khai đã định hình được mô hình “Xã hội học tập” trên địa bàn hành chính cấp xã, đồng thời mở ra các mô hình học tập của người lớn từ gia đình, dòng họ, thôn bản, các cơ quan, công sở, trường học, các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
Các xã, phường, thị trấn học tập hiện nay đã góp phần không nhỏ xây dựng xã nông thôn mới và khu dân cư đô thị văn minh. Những kết quả đạt được đã trở thành cơ sở vững chắc để Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập”. Phong trào “Xây dựng xã hội học tập” đang hướng tới hình thành những “Cộng đồng học tập” cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025 và đến 2030, nước ta sẽ có những tỉnh học tập, thành phố học tập, Việt Nam sẽ trở thành nước “Xã hội học tập” để từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới.