Phát huy sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đảng ta luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ và nhấn mạnh phương pháp, cách thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Quan điểm nhất quán của người đứng đầu Ðảng ta là nếu không dựa vào quần chúng nhân dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó thành công.

Nhiều năm qua, xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Ðảng ta luôn quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực bị đưa ra ánh sáng là do quần chúng nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác. Từ nguồn tin trong nhân dân, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan có chức năng vào cuộc điều tra làm rõ hành vi vi phạm, từ đó có phương án xử lý nghiêm minh để vừa răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng vi phạm, đồng thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực, góp phần phòng ngừa từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, phải khởi tố vụ án, đưa ra xét xử.

Tai mắt của nhân dân ở khắp mọi nơi, cho nên khi quần chúng nhân dân ý thức rõ được vai trò của mình và có trách nhiệm tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì công tác này nhất định đạt hiệu quả, góp phần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở. Bên cạnh đó, nhân dân tham gia góp ý kiến thông qua việc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, hỗ trợ hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng,... đã góp phần rất thiết thực trong công tác phòng ngừa những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời chỉ ra những ưu, khuyết điểm để giúp cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”.

Nghiên cứu các bài viết trong cuốn sách, đối chiếu với thực tiễn triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng ta, nhất là tinh thần đấu tranh ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tôi càng thấm thía câu nói của đồng chí Tổng Bí thư rằng: Chỉ có những người với “bàn tay sạch”, “tấm lòng sạch” mới có đủ dũng khí để dọn sạch tàn dư của những thói hư tật xấu đã len lỏi vào một bộ phận cán bộ của chúng ta. Người đứng đầu Ðảng ta cũng nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là một việc làm cấp thiết, tất yếu, là xu thế không thể đảo ngược.

Do đó, tôi cho rằng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương, cần phải chú trọng hơn nữa vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh này. Trước hết là nâng cao ý thức làm chủ của nhân dân, phát huy hơn nữa quyền và nghĩa vụ của nhân dân, nhất là vai trò giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; thường xuyên rà soát nhằm hoàn thiện cơ chế, cơ sở pháp lý, đa dạng các hình thức phản ánh, tố giác, tố cáo, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng thực hiện những quy định về bảo vệ, giúp đỡ, khen thưởng… người tố cáo tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần công khai các hộp thư, số điện thoại; thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, xác minh ngay những thông tin do nhân dân cung cấp; công khai kết quả xử lý trên báo, đài.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân phải là nơi thật sự tin cậy để nhân dân thể hiện được ý chí của mình trong tham gia các hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương và các đơn vị hành chính sự nghiệp, giám sát cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý ở những nơi, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Các cơ quan báo chí cần chủ động hơn nữa, tạo thuận lợi cho nhân dân phát huy tối đa quyền giám sát của mình, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả, tích cực tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.