Phát huy những bài học quý

“Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” (Phần 1 cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2023) gồm các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (năm 2013) đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh LAN HƯƠNG)
(Ảnh LAN HƯƠNG)

Nội dung trả lời cho các câu hỏi: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Làm gì và làm thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới? Bên cạnh đó là các bài phát biểu kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Theo đó, nội dung cho thấy rõ quan điểm của Tổng Bí thư là: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Mỗi phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành mệnh lệnh của người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách cũng chỉ rõ những kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng nỗ lực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những kết quả đó gắn liền với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã được khẳng định, phát huy hiệu quả trên thực tế, được cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều cách làm sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn trở thành những bài học kinh nghiệm quý có thể xem là những đúc kết lý luận, định hướng cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tiễn thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Qua kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; chỉ đạo xử lý hàng trăm vụ án, vụ việc… Có thể thấy, số vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được phát hiện, xét xử công khai, đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn.

Tuy nhiên, từ nhiều vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên (cả những cán bộ cấp cao, giữ cương vị quan trọng) từ Trung ương đến nhiều địa phương cho thấy tính chất phức tạp, cam go của mặt trận này. Cho dù, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Thiết nghĩ cần phát huy hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tiễn. Trước hết, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý; phòng ngừa, ngăn chặn từ cơ sở những sai phạm đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.

Tựu trung, muốn trị bệnh, chúng ta cần phòng bệnh hiệu quả hơn. Nghĩa là, không thể chỉ dựa vào hậu kiểm trong quản trị quyền lực, mà phải xây dựng được phương án tiền kiểm hiệu quả. Theo đó, chế độ giám sát tiền kiểm được thực hiện thường xuyên, thậm chí có thể trở thành sinh hoạt thường quy hằng ngày và trước mỗi hành động, nhằm răn đe tâm lý để mỗi cán bộ khi giữ vị trí lãnh đạo, đi kèm quyền lực luôn giữ cho mình tâm thế cân bằng giữa quyền và trách nhiệm công vụ, giúp cho mỗi cán bộ giữ được tinh thần cống hiến trước Đảng, trước nhân dân.

Đảng ta đã ban hành Quy định (số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Cán bộ của Đảng, nhất là cán bộ cấp cao cần tự giác, gương mẫu thực hiện “tự kiểm, tự xử” về trách nhiệm trước dân, trước Đảng trong công việc của mình khi đã để xảy ra vi phạm, khuyết điểm. Những vụ việc ở cấp cao vừa qua đã chứng minh điều đó. Nhân dân đang chờ đợi và kỳ vọng ở những cố gắng của Đảng, Nhà nước.