Áp dụng sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị quả xoài

Xoài là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trên cả nước. Những năm qua, nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến nên năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế của cây xoài đang từng bước nâng cao, từ đó, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động vùng nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế, đóng gói, bảo quản xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp.
Sơ chế, đóng gói, bảo quản xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng xoài cả nước là hơn 115.000ha với sản lượng gần 969.000 tấn/năm.

Các tỉnh có diện tích và sản lượng xoài lớn là: Sơn La, Ðồng Tháp, An Giang, Ðồng Nai; trong đó, xoài được trồng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với 49.900ha. Tại Ðồng Tháp, đến nay diện tích trồng xoài là hơn 14.000ha với sản lượng gần 140.000 tấn/năm.

Hiện nay, diện tích trồng xoài cả nước là hơn 115.000ha với sản lượng gần 969.000 tấn/năm.

Toàn tỉnh có 296 vùng trồng xoài với diện tích hơn 8.200ha được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, New Zealand, châu Âu…

Ðể nâng cao giá trị của loại trái cây này, tỉnh đã chọn xoài là một trong năm ngành hàng chủ lực của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó giúp bà con nông dân không chỉ mạnh dạn thay đổi quy trình canh tác theo hướng tiên tiến, an toàn mà còn chủ động hợp tác, liên kết để mở rộng vùng sản xuất đạt chuẩn VietGAP, đăng ký mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Áp dụng sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị quả xoài ảnh 1

Xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ông Nguyễn Phú Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, dịch vụ xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (Ðồng Tháp) cho biết: "Vụ này, tôi bán xoài loại 1 với giá 45.000 đồng/kg, mức giá này nông dân trồng xoài có lãi. Ðể phát triển tổ hợp tác, hiện tôi đã vận động được 19 thành viên tham gia với giá bán xoài ổn định.

Mặc dù vậy, do quy trình canh tác khá nghiêm ngặt nên một số người còn e ngại khi tham gia". Triển khai từ năm 2016, mô hình "Cây xoài nhà tôi" tại Ðồng Tháp được nhiều nơi biết đến và đặt mua xoài.

Khởi đầu mô hình là Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nơi được mệnh danh là "Vương quốc Xoài". Mô hình là cách làm nhằm đa dạng hóa phương thức quảng bá xoài, loại trái cây đặc sản của địa phương. Ưu điểm vượt trội của mô hình này là toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, giúp nông dân trồng xoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo gắn kết giữa nông dân và người sở hữu cây xoài, từ đó gia tăng giá trị cây xoài.

Theo thỏa thuận, khách hàng khi mua cây xoài, trong suốt một năm sẽ được hưởng toàn bộ số trái trên cây. Tại huyện Cao Lãnh, có khoảng 150 "Cây xoài nhà tôi", trên mỗi cây được gắn mã QR. Các hộ tham gia mô hình "Cây xoài nhà tôi" được tạo lập cơ sở dữ liệu riêng, quản lý tất cả các cây xoài trong mô hình bao gồm: Tên nông hộ, địa chỉ, số điện thoại liên hệ... Giá bán đối với xoài Cát Chu là 7 triệu đồng/cây/năm, đối với giống xoài Cát Hòa Lộc là 10 triệu đồng/cây/năm.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay sản xuất xoài của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán gây khó khăn cho việc đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện dư địa cho xuất khẩu xoài của Việt Nam nói chung và tỉnh Ðồng Tháp nói riêng vào các thị trường này còn rất lớn. Ðây là các thị trường có nhu cầu nhập khẩu xoài cao, tuy nhiên cũng đòi hỏi về mặt chất lượng.

Ở một số nơi, áp dụng quy trình sản xuất chưa tốt, khâu cắt tỉa, tạo tán còn hạn chế và thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ; giá bán biến động, không ổn định ảnh hưởng đến thu nhập của người dân…

Theo đánh giá của các tham tán thương mại Việt Nam tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, hiện dư địa cho xuất khẩu xoài của Việt Nam nói chung và tỉnh Ðồng Tháp nói riêng vào các thị trường này còn rất lớn. Ðây là các thị trường có nhu cầu nhập khẩu xoài cao, tuy nhiên cũng đòi hỏi về mặt chất lượng.

Ðiều cần lưu ý đối với xuất khẩu xoài, đó là phải đầu tư nhiều hơn cho khâu bảo quản, vận chuyển xoài; tăng cường quảng bá; cần làm tốt việc liên kết giữa người trồng xoài với các nhà xuất khẩu, đóng gói.

Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh: "Tỉnh luôn chú trọng phát triển xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng chuyên canh quy mô lớn; đồng thời khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết: "Chi phí logistics đối với xoài xuất khẩu hiện nay là quá lớn, điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, với tiềm năng xuất khẩu xoài, sắp tới tỉnh sẽ huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà vườn để cùng đưa trái xoài Ðồng Tháp xuất khẩu đến nhiều quốc gia hơn nữa".

Ðể nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài, Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian tới các địa phương cần rà soát, quy hoạch sản xuất tập trung, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi; các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ xoài; tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Ðối với thị trường trong nước, các địa phương cần xây dựng thương hiệu để bảo đảm tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Các địa phương cũng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, xuất khẩu xoài và các sản phẩm từ xoài; khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy hình thành các tổ chức liên kết sản xuất xoài; đẩy mạnh sản xuất có chứng nhận, sản xuất đáp ứng an toàn thực phẩm, cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo hướng rải vụ giúp bảo đảm nguồn cung tiêu thụ; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành xoài.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm xoài, gắn với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến…