Phát huy hiệu quả đèn tín hiệu cho người đi bộ

Nhằm giúp người dân chủ động và an toàn hơn khi qua đường, từ năm 2017, hệ thống đèn tín hiệu tự bấm dành riêng cho người đi bộ được thí điểm lắp đặt tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, hệ thống đèn tín hiệu này không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí tại nhiều điểm, đèn tín hiệu không còn hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Đèn tín hiệu cho người đi bộ. (Ảnh: VOV)
Đèn tín hiệu cho người đi bộ. (Ảnh: VOV)

Chúng tôi đã khảo sát các cột đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ được lắp đặt trên các tuyến đường, phố như Xuân Thủy, nút giao Kim Mã-Giang Văn Minh, Láng Hạ, Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống-Lê Thái Tổ, Ðinh Tiên Hoàng… Trong số 13 cột đèn tín hiệu được lắp đặt tại những tuyến đường nêu trên, đến nay chỉ còn 3 cột đèn tín hiệu chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm hoạt động. Trong khi đó, đèn tín hiệu dành cho người đi bộ tại một nút giao trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) cũng thường xuyên trục trặc. Không chỉ bị hỏng, mất tín hiệu, trục trặc, trên thực tế, rất ít người đi bộ, kể cả du khách quốc tế, sử dụng nút bấm trên đèn tín hiệu để xin sang đường.

Hầu hết đều di chuyển theo tín hiệu đèn giao thông cài đặt sẵn, hoặc băng sang đường khi không có luồng phương tiện xung đột. Song, cũng có trường hợp, người đi bộ bấm nút đèn tín hiệu để yên tâm bảo đảm an toàn khi sang đường, nhưng nhiều phương tiện ô-tô, xe máy… vẫn cố tình vượt đèn đỏ, chưa hình thành ý thức nhường đường cho người đi bộ, tại những nơi lắp đặt hệ thống tín hiệu này...

Bạn Thu Trang (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Trước đây, khi đèn mới lắp cũng có một số người bấm để xin qua đường nhưng bấm rồi mà mãi đèn chưa chuyển, nên người ta qua đường luôn, không đợi nữa. Tuy nhiên, bấm đèn chuyển mầu rồi mà phương tiện lưu thông trên đường cũng không dừng lại nhường đường, cho nên bây giờ không ai dùng đèn tín hiệu này nữa, mọi người cứ theo thói quen băng qua lòng đường thôi".

Còn với bà Thanh Hải ở quận Cầu Giấy, việc qua đường vẫn là nỗi lo sợ, ám ảnh, mặc dù đã bấm đèn xin đường: "Do tuổi cao cho nên mỗi lần qua đường với tôi rất khó khăn, đặc biệt là con đường có nhiều phương tiện qua lại như Xuân Thủy. Có lần, tôi bấm đèn xin đường, chờ mãi đèn mới chuyển mầu để tôi qua. Nghĩ thế là yên tâm, nên tôi qua luôn. Vừa bước được hai ba bước thì có chiếc xe máy phóng vụt qua ngay trước mặt tôi. Sợ quá nên tôi đành quay lại nhờ người dẫn sang đường".

Theo các chuyên gia giao thông, cụm đèn tín hiệu để sang đường cho người đi bộ vốn được coi là giải pháp bảo đảm an toàn, khuyến khích người dân đi bộ và phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, đã đến lúc cơ quan quản lý cần đánh giá tính hiệu quả của việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dành riêng cho người đi bộ, từ đó có các giải pháp phát huy đầy đủ công năng của hệ thống này. Theo đó, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về tác dụng của đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý những phương tiện, cá nhân vi phạm, phân bổ hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường hợp lý hơn, qua đó phát huy hiệu quả sử dụng. Mỗi người dân cần phải tự ý thức được hành vi của mình, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn cho bản thân và người chung quanh.