Trên công trình hồ Ðầm Bài, xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Dục, Giám đốc chi nhánh 2, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình cho biết, hồ có dung tích chứa 4,88 triệu mét khối, là nguồn nước chính để tưới tiêu ổn định cho gần 800ha lúa, hoa màu vụ chiêm và vụ mùa của hai xã Hợp Thành và Thịnh Minh. Nhờ đó, bà con sản xuất lúa ổn định, trung bình đạt 60 tạ/ha, góp phần ổn định đời sống và tăng trưởng kinh tế địa phương trong vùng… Hiện nay, trên địa bàn công ty quản lý (thuộc huyện Kỳ Sơn cũ, nay là thành phố Hòa Bình) có 20 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu ổn định cho hơn 1.350ha lúa và hoa màu. Tuy nhiên, hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Ðầm Bài và một số đê bao ở các công trình khác đang bị hư hỏng, rất cần các ngành, các cấp quan tâm tu bổ…
Tỉnh Hòa Bình hiện có 1.995 công trình lớn nhỏ, trong đó, công trình do cấp tỉnh quản lý 521, cấp huyện 1.474. Hệ thống kênh mương toàn tỉnh dài tổng cộng 3.723km, đến hết năm 2022 đã kiên cố hóa được 2.100km, đạt 54%. Hệ thống thủy lợi hiện nay cấp nước tưới chủ động cho vụ xuân và vụ mùa hằng năm là 55.787ha, trong đó diện tích lúa 39.235ha, màu và cây vụ đông 13.409ha, cây ăn quả 2.339ha… Việc quản lý và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi luôn được tỉnh Hòa Bình quan tâm. Công tác kiểm tra báo cáo hiện trạng công trình vào trước, trong và sau mùa mưa bão được thực hiện kịp thời.
Sơn La hiện có tới 2.697 công trình thủy lợi, trong đó có 110 hồ chứa, 190 cửa lấy nước đầu mối, 105 kênh dẫn, ba kênh thoát lũ và sáu trạm bơm đang được khai thác phục vụ sản xuất với tổng chiều dài kênh 3.305km. Thực tế cho thấy, hiệu quả tưới từ các công trình thủy lợi đầu mối trên địa bàn hiện vẫn chưa đạt được công suất tối đa, trong khi một số công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Như huyện Mộc Châu hiện nay, các công trình thủy lợi mới đáp ứng được nhu cầu nước cho lúa, còn nước tưới cho diện tích trồng cây hằng năm và diện tích trồng cây công nghiệp vẫn chưa được bảo đảm.
Thời gian qua tỉnh Sơn La đầu tư xây dựng mới hệ thống thủy lợi cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời ứng dụng công nghệ tự động hóa trong khai thác, quản lý vận hành. Tỉnh đã xây dựng mới hơn 400 công trình thủy lợi, nâng cấp sửa chữa và kiên cố hóa với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng, đưa diện tích được tưới chủ động lên 31.999ha. Sơn La đã đề ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng phát triển ổn định, bền vững. Cụ thể, đến năm 2030 sẽ bảo đảm 95% đến 100% nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp vùng sản xuất tập trung; đồng thời tiêu úng, phòng, chống lũ và thiên tai cho sản xuất nông nghiệp.
Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Ðức Ðặng cho biết, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, sự đóng góp của nhân dân, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn được đầu tư xây dựng cải tạo, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. "Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số công trình do nguồn vốn đầu tư ban đầu còn hạn chế, chưa đồng bộ, nên khả năng đáp ứng phục vụ sản xuất chưa cao, tỷ lệ thất thoát nước dọc tuyến lớn", ông Nguyễn Ðức Ðặng nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhiều hệ thống công trình thủy lợi tại các địa phương trung du miền núi phía bắc nước ta đã được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng đang cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía Trung ương để đồng bộ hóa hệ thống tưới tiêu, góp phần phát triển kinh tế bền vững ■