Phát huy hệ giá trị văn hóa gắn với thực tiễn

Ðồng bằng sông Cửu Long mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng với những nét đặc trưng; từ đó tạo nên một hệ giá trị văn hóa được chính quyền và người dân không ngừng bảo tồn và phát huy.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện Chợ chiếu "ma" Ðịnh Yên ở Ðồng Tháp.
Tái hiện Chợ chiếu "ma" Ðịnh Yên ở Ðồng Tháp.

Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, Ðồng Tháp được biết đến là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với các khu di tích khảo cổ gắn liền nền văn hóa Óc Eo cổ xưa và Vương quốc Phù Nam nhiều huyền thoại. Phát huy những giá trị truyền thống đó, thời gian qua, việc xây dựng văn hóa, con người Ðồng Tháp đã được tỉnh quan tâm thực hiện; trong đó rõ nét nhất là các di sản văn hóa, di tích lịch sử được đầu tư bảo tồn, nghiên cứu, quảng bá; các lễ hội dân gian, điệu hò được phục hồi và phát triển.

Hôm chúng tôi trở lại Ðình Ðịnh Yên, xã Ðịnh Yên, huyện Lấp Vò cũng là lúc "Chợ ma", hay có người gọi Chợ chiếu "ma" Ðịnh Yên chính thức được tái hiện trước sân đình. Cách đây hơn 30 năm, Làng nghề dệt chiếu Ðịnh Yên hồi ấy vẫn còn nổi tiếng với khu chợ họp về lúc đêm khuya, không cố định giờ giấc, mỗi phiên chỉ họp trong 2 giờ, thương lái tới vận chuyển chiếu rồi đem bán khắp nơi.

Chính vì những yếu tố đặc biệt đó cho nên chợ chiếu Ðịnh Yên còn được gọi là "Chợ ma". Nét đặc trưng của chợ chiếu đêm nơi đây là người mua thì ngồi tại chỗ còn người bán thì mang chiếu đi lại, đạp xe rao bán, khung cảnh tấp nập. Ðây là nét văn hóa truyền thống địa phương đặc sắc, tuy là chợ nhưng chợ chiếu không giống bất kỳ loại chợ nào khác.

Ngày nay, thương lái không lấy hàng vào ban đêm nữa do đường đi thuận lợi, phương tiện vận chuyển cũng hiện đại hơn. Nhưng những ký ức về phiên chợ đêm này vẫn được kể lại cho thế hệ con cháu về sau. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò (tỉnh Ðồng Tháp) Nguyễn Thị Nhanh cho biết, địa phương xây dựng sản phẩm du lịch này nhằm khơi dậy những giá trị truyền thống, nét văn hóa đặc sắc riêng để giới thiệu đến khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

Thời gian qua, tỉnh Ðồng Tháp còn tập trung cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, như: Ðờn ca tài tử, hò Ðồng Tháp, các nghề thủ công truyền thống. Tỉnh cũng phát huy giá trị lễ hội truyền thống hằng năm như: Các Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương-Ðốc binh Nguyễn Tấn Kiều; Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Ông, bà Ðỗ Công Tường... nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với quảng bá hình ảnh địa phương. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Thị Kim Loan cho biết, thời gian tới sẽ thí điểm, tổng kết nhân rộng mô hình phát triển một số lĩnh vực văn hóa có thế mạnh, như: Nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, di sản văn hóa.

Ðồng bằng sông Cửu Long có hệ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Nhiều địa phương có các di tích lịch sử cách mạng, đền thờ anh hùng dân tộc; những lễ hội truyền thống mang tầm quốc gia, lễ hội đặc trưng cho văn hoá vùng... Ðây cũng là vùng đất có nghệ thuật Ðờn ca tài tử được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; có văn hóa ẩm thực, trang phục của người miền tây với chiếc áo bà ba, khăn rằn và nón lá rất duyên dáng, nên thơ tạo thành dấu ấn, điểm nhấn không thể hòa lẫn với các dân tộc khác...

Các hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trở thành trụ cột bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực.