Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định: Tọa đàm là diễn đàn tôn vinh, trao đổi, chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển, những thành tựu, đóng góp của phong trào “Nghìn việc tốt” đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Qua đó, chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu và đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục phát huy giá trị của phong trào “Nghìn việc tốt” trong thời gian tới.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham luận, chia sẻ ý kiến về lịch sử hình thành và phát triển phong trào “Nghìn việc tốt”; thực tiễn và những kết quả đạt được trong tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động phong trào “Nghìn việc tốt”; bài học kinh nghiệm và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào “Nghìn việc tốt”.
Các ý kiến tham luận đã đề cập tới những nền tảng vững chắc xây dựng và phát triển thế hệ trẻ; khẳng định sự ra đời của phong trào “Nghìn việc tốt” là một tất yếu lịch sử, mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, góp phần hình thành nhân cách thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhớ lại ngày phong trào “Nghìn việc tốt” ra đời, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, khi đó còn là một đội viên Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn) cho biết: Ngày 24/3/1963, sau lễ trồng cây, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Tổng Phụ trách liên đội Trường cấp 2 Liên Sơn đã tập hợp cả liên đội và phát động phong trào “Nghìn việc tốt”. Khi đó, làm nghìn việc tốt là thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.
“Nghìn việc tốt” là một là một phong trào thiết thực, bổ ích và hấp dẫn giúp chúng tôi học tập tốt hơn, rèn luyện tốt hơn, ngoan ngoãn hơn, yêu và chăm lao động hơn, quan tâm đến người khác hơn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, từ phong trào “Nghìn việc tốt” có thể thấy để một cuộc vận động, một phong trào thiếu nhi không chỉ mang tính hình thức thì các hoạt động cụ thể phải thiết thực, bổ ích, thích hợp với môi trường học tập và sinh sống của thiếu nhi. Một phong trào thiếu niên thành công nếu nó đáp ứng tính hiếu động, thích vui chơi và tính thích làm người lớn của trẻ em, nghĩa là nó phải thật sự lôi cuốn để các em có thể tự giác tham gia, “học mà chơi”, “chơi mà học”.