Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp để khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Nhờ đó, các di sản không chỉ "sống" được mà còn bước đầu tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu nhi trình diễn hát then tại Ngày hội cam quýt huyện Bạch Thông.
Thiếu nhi trình diễn hát then tại Ngày hội cam quýt huyện Bạch Thông.

Câu lạc bộ hát then, đàn tính Sắc Chàm là một trong những câu lạc bộ có quy mô lớn và hoạt động bài bản nhất, với hơn 60 hội viên tham gia. Ban Chủ nhiệm gồm bảy thành viên, được phân công phụ trách hoạt động theo nhóm gồm địa bàn các huyện: Chợ Ðồn, Na Rì, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mã Thị Dạy cho biết: Câu lạc bộ không chỉ là sân chơi, nơi giao lưu của những người đam mê và có tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện cấp huyện, cấp tỉnh. Thông qua hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch, câu lạc bộ có nguồn thu vừa để duy trì hoạt động, vừa góp phần lan tỏa loại hình văn hóa đặc sắc này trong đời sống.

Bắc Kạn hiện đã xây dựng được hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, như: hát then, đàn tính Sắc Chàm; hát then, đàn tính các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Ðồn, thành phố Bắc Kạn; hát Sli, hát Lượn cọi, khèn Mông... Các điệu múa, lời ca thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được Bắc Kạn chỉ đạo tập trung sưu tầm, trình diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp. Hằng năm, Ðoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn tổ chức biểu diễn khoảng 80 đêm, luân phiên tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; diễn 30-40 buổi phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, Ðoàn tham gia các hội thi, hội diễn, ghi dấu ấn và góp phần làm nên thành công cho các sự kiện xúc tiến, quảng bá thương mại, du lịch của tỉnh như: Chương trình du lịch qua miền di sản, Sắc thu hồ Ba Bể, các tuần văn hóa du lịch di sản, hội xuân, hội nghị giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến đầu tư, du lịch...

Ðể triển khai có bài bản, hiệu quả, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019 về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2030. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, trong tổng số 291 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại thuộc bảy loại hình di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian), có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào "Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Hằng năm, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố định kỳ tổ chức các hội diễn, liên hoan, ngày hội văn hóa và tham gia các hoạt động giới thiệu, biểu diễn, quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức như: Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông; Ngày hội văn hóa dân tộc Dao; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Ðông Bắc... Việc tổ chức định kỳ "Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc", "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4" đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc.

Nhờ những nỗ lực này, trong ba năm qua, Bắc Kạn đã có thêm năm di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm "Hát Pá Dung", "Lễ cấp sắc của người Dao", "Lễ Kỳ Yên", "Múa bát của người Tày", "Hát Sli của người Nùng" và một di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là "Thực hành Then của người Tày-Nùng-Thái ở Việt Nam". Tỉnh cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chủ tịch nước phong tặng một danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và ba danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Ðể tạo "sân chơi" cho các nghệ nhân và nhân dân yêu thích các di sản văn hóa phi vật thể, Bắc Kạn còn quy hoạch, lựa chọn bảo tồn, phát huy một số lễ hội tiêu biểu gắn với hoạt động du lịch như: Hội Lồng tồng Ba Bể, Phủ Thông (Bạch Thông); Bằng Vân (Ngân Sơn); Mù Là (Pác Nặm), Chợ truyền thống xã Xuân Dương (Na Rì); triển khai xây dựng mô hình lễ hội mới gắn liền với phát triển du lịch hồ Ba Bể, "Tuần du lịch-di sản văn hóa Ba Bể" được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần, tạo sản phẩm văn hóa, du lịch phục vụ du khách.

Những kết quả này đã khẳng định Bắc Kạn đang cụ thể hóa hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Với hạ tầng giao thông đang hoàn thiện, du lịch dần trở thành kinh tế mũi nhọn thì tương lai gần các di sản văn hóa phi vật thể của Bắc Kạn sẽ không chỉ "sống" mà còn là hướng phát triển kinh tế tiềm năng.