Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022)

Phát huy bài học kinh nghiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học về xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và nhân lên trong bối cảnh hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn TTXVN)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự vận động cách mạng gian khổ trong suốt 15 năm, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; đồng thời, hội tụ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Song, một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi là Đảng đã thành công trong việc khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, Đảng khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (1).

Nhằm tập hợp đông đảo nhân dân, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước chống thực dân, phát-xít, giành độc lập cho dân tộc, Trung ương Đảng quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuyên ngôn chủ trương “…liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” (2). Tuyên ngôn và Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể dân tộc nên đã tập hợp được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân: phú, sĩ, nông, công, thương, trí thức, phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên, thiếu niên, nhi đồng, các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước…

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp ở Võng La (năm 1943) đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước ở trong và ngoài chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội Văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết các nhà trí thức và các nhà văn hóa.

Nhờ chủ trương đúng đắn đó mà Đảng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân, phát-xít, giành độc lập dân tộc. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, là minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhằm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, với quyết tâm: “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(3) và sự đồng lòng của toàn dân tộc, với tinh thần: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” (4), toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập, giải phóng dân tộc.

Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, với phương châm: vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng; vừa kháng chiến, vừa củng cố hậu phương và với phương thức tác chiến thích hợp, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ thù.

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, trải qua hơn 3.000 ngày đêm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với niềm tin sắt đá “...dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” (5), dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Sự đồng lòng của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc-kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là minh chứng hùng hồn của sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Cội nguồn của thắng lợi đó là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, bởi: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” (6) và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” (7).

Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (8).

Đường lối chiến lược quan trọng đó luôn được thực hiện, cụ thể hoá thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phối hợp và thống nhất hành động của toàn dân nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các phong trào thi đua yêu nước được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái, nhân văn, nghĩa tình của dân tộc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như trong việc giúp đỡ, ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục, vượt qua nhiều mất mát, đau thương do hậu quả của những đợt bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra.

Qua các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, rộng khắp ở mọi cấp, mọi ngành, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an và sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để “không một ai bị bỏ lại phía sau”, chính là biểu hiện sinh động của tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong bối cảnh mới.

Thực tiễn phong phú của những năm phòng, chống dịch Covid-19 là minh chứng sinh động khẳng định: Càng khó khăn, thử thách, truyền thống và tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó của mỗi người dân Việt Nam được hun đúc từ bao đời, càng được khơi dậy mạnh mẽ, tỏa sáng trên tinh thần: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết” (9).

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cần quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; cụ thể hóa bài học kinh nghiệm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cần đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, sánh vai các quốc gia, dân tộc trên thế giới như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Sđd, tập 7, tr.461.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 4, tr.534.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 15, tr.621.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 15, tr.280.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, tập 13, tr.120.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.158.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, tập 11, tr.487.