Phát hiện, xử lý sớm các dự án chậm triển khai

Đến hết tháng 6/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo xử lý 705 dự án với tổng diện tích đất 11.345 ha đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa quỹ đất vào sử dụng. Số dự án nêu trên chiếm 99% tổng số 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất, chậm triển khai trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án nằm trong khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) đã "án binh bất động" nhiều năm nay.
Một dự án nằm trong khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) đã "án binh bất động" nhiều năm nay.

Đối với 1% số dự án còn lại (gồm 7 dự án với tổng diện tích đất 88,5 ha) đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.

Trong 712 dự án, có 410 dự án với tổng diện tích hơn 9.089 ha đất được đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, tiếp tục thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật. So với thời điểm cuối năm 2023, số dự án được xử lý và được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai đã tăng 80 dự án. 12 dự án được đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp. Có 155 dự án sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vấn đề tồn tại. 153 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 18 dự án được tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra thụ lý, xử lý theo quy định; 44 dự án nhà đầu tư đang triển khai thực hiện theo tiến độ và quy định pháp luật đầu tư; 19 dự án được các sở, ngành của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận và nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề quy hoạch, tài chính, đất đai, đấu giá...

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố gửi tới kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân thành phố đầu tháng 7 vừa qua, các sở, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận đối với từng dự án; làm rõ lý do, nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và có phương án xử lý phù hợp; tạo điều kiện cho chủ đầu tư có phương án, thời gian khắc phục, góp phần ngăn chặn các vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng công trình. Nhiều dự án được gia hạn đã khắc phục vi phạm, chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước theo quy định. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ỳ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, số lượng dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, do đó, cần tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra, tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định. Kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, khả thi và tuân thủ quy định của pháp luật.

Trong sáu tháng cuối năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất; phân loại thành nhóm. Các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án để làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; xử lý quyết liệt, triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu kiểm tra và xử lý dứt điểm đối với các dự án đầu tư đã hết thời gian gia hạn 24 tháng. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ việc thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa từ xa, phát hiện từ sớm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn, kịp thời xử lý dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ngay từ ban đầu.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn và đề nghị xử lý đối với 117 dự án (ngoài 712 dự án nêu trên), trong đó, 60 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 57 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đề xuất mới về dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, quận Long Biên có 24 dự án; huyện Thạch Thất có 19 dự án; hai quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, mỗi quận có 12 dự án…