Phát hiện hàng chục thi thể trong các đám cháy rừng ở Hy Lạp

Người phát ngôn Cơ quan cứu hỏa Hy Lạp cho biết cơ quan chức năng đang điều tra xem những thi thể này liệu có phải người di cư trái phép không, do không nhận được thông báo mất tích ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Máy bay phun nước dập lửa cháy rừng tại Volos, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay phun nước dập lửa cháy rừng tại Volos, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng cứu hỏa Hy Lạp ngày 22/8 đã phát hiện 18 thi thể nghi là người di cư trong một đám cháy rừng ở phía Bắc thành phố biên giới Alexandroupolis gần với Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Cơ quan cứu hỏa Hy Lạp, ông Yiannis Artopios cho biết cơ quan chức năng đang điều tra để xác định liệu số nạn nhân này có phải là người di cư trái phép hay không, do không nhận được thông báo về trường hợp mất tích nào ở địa phương.

Trước đó 1 ngày, lực lượng cứu hỏa Hy Lạp cũng phát hiện 1 thi thể nghi là người di cư ở khu vực cháy rừng này.

Hiện các đám cháy rừng vẫn tiếp tục lan rộng tại khu vực phía Đông Bắc Hy Lạp cùng nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, nỗ lực cứu hỏa gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ vẫn ở mức cao, 41 độ C, cùng gió mạnh.

Trong 24 giờ qua, có thêm 60 đám cháy bùng phát tại Hy Lạp. Có 6 nước gồm Cyprus, Romania, Cộng hòa Séc, Croatia, Đức và Serbia cho biết sẽ triển khai lực lượng hỗ trợ Hy Lạp ứng phó với cháy rừng.

Đám cháy rừng mới bùng phát hôm 22/8 xuất phát từ một bãi chôn rác ở khu công nghiệp Aspropyrgos gần thủ đô Athens, khiến khói đen độc hại bao trùm cả khu vực.

Chính quyền địa phương đã phong tỏa đoạn gần nhất của đường vành đai Athens và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.

Điều kiện thời tiết khô nóng làm tăng nguy cơ cháy rừng sẽ kéo dài cho đến ngày 25/8.

Đám cháy gần Alexandroupolis cũng đang đe dọa công viên quốc gia Dadia, một trong những khu vực được bảo vệ quan trọng nhất ở châu Âu, nơi sinh sống của các loài chim quý hiếm.

Theo các nhà khí tượng học, điều kiện thời tiết khô nóng làm tăng nguy cơ cháy rừng sẽ kéo dài cho đến ngày 25/8.

Trước đó, đợt nắng nóng vào tháng 7 đã làm bùng phát cháy rừng tại Hy Lạp và trong 10 ngày, các đám cháy ở phía Nam của Rhodes, một hòn đảo du lịch nổi tiếng ở phía Đông Nam biển Aegean, đã thiêu rụi 17.770ha đất rừng và khiến khoảng 20.000 người, chủ yếu là khách du lịch, phải sơ tán.

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, thời tiết mát mẻ hơn cùng gió nhẹ hơn đã hỗ trợ lực lượng cứu hỏa nước này khống chế đám cháy rừng kéo dài suốt 1 tuần qua trên đảo Tenerife.

Đám cháy bùng phát từ ngày 15/8. Đến nay, khoảng 600 lính cứu hỏa và sỹ quan quân đội với sự hỗ trợ của 22 máy bay thả nước đã tham gia cứu hỏa.

Về thiệt hại, vụ cháy rừng này đã thiêu hủy gần 15.000ha đất rừng, khiến hơn 12.000 người phải sơ tán. Hiện người dân tại một số ngôi làng đã được trở về nhà.

Quần đảo Canary của Tây Ban Nha là nơi thường có thời tiết quanh năm như mùa xuân, song nhiệt độ gần đây đã tăng vọt lên 40 độ C ở một số nơi. Theo các nhà khoa học, đây là hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), năm ngoái, ở Tây Ban Nha xảy ra hơn 500 vụ cháy, thiêu rụi hơn 300.000ha, khiến nước này trở thành quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở châu Âu. Từ đầu năm đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận 340 vụ cháy, hơn 76.000ha đất rừng bị tàn phá.