Phát hiện cơ sở ủ thuê măng vầu bằng lưu huỳnh cho Trung Quốc

NDO -

NDĐT- Một cơ sở chế biến thực phẩm ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang được đối tác Trung Quốc thuê sơ chế măng khô bằng lưu huỳnh với hàm lượng vượt mức cho phép từ 150- 250 lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Phát hiện cơ sở ủ thuê măng vầu bằng lưu huỳnh cho Trung Quốc

Cơ sở chế biến chè và măng vầu của ông Huỳnh Kim Thanh có xưởng đặt tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hoạt động từ tháng 3- 2012. Từ đó đến nay, cơ sở này đã đứng ra thu gom, chế biến măng vầu theo đơn đặt hàng của đối tác Trung Quốc. Kèm theo đơn đặt hàng, đối tác cử ba "chuyên gia" người Trung Quốc sang giúp ông Thanh chế biến thực phẩm theo quy trình của họ.

Ông Thanh cho biết, dưới sự hướng dẫn của các “chuyên gia” Trung Quốc, cơ sở của ông đã đốt từ 3- 5kg lưu huỳnh để ủ một tấn măng tươi. Sau khi đốt, lưu huỳnh và măng được đặt trên đất rồi lấy bạt ni-lon phủ lên để giữ khói. Sau hơn 12 tiếng, công nhân sẽ nhặt măng, đóng vào bao để giao đối tác tiếp tục chế biến bán ra thị trường (ông Thanh không rõ thị trường nước nào).

Việc sử dụng lưu huỳnh để bảo quản thực phẩm trên thế giới không phải là điều hiếm gặp, tuy nhiên người ta chỉ chấp nhận với mật độ rất nhỏ tính bằng đơn vị ppm (parts per million- một phần triệu), như Trung Quốc chỉ chấp nhận mức 4ppm, Mỹ dưới 11 ppm (nếu trên 11 ppm nhà sản xuất buộc phải công bố thông tin lên bao bì sản phẩm).

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ nên sử dụng dưới 20mg lưu huỳnh để chế biến một kg thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

Như vậy, với mức sử dụng 3- 5kg lưu huỳnh trên một tấn sản phẩm, cơ sở ông Thanh đã được đối tác Trung Quốc thuê để làm ra sản phẩm có mật độ lưu huỳnh cao trên mức cho phép từ 150- 250 lần.

Việc sử dụng thực phẩm có chất lưu huỳnh hàm lượng cao, lâu dài theo các chuyên gia y tế thì "sẽ gây tổn thương về thần kinh, tuần hoàn máu, mắt...".

Hiện cơ quan quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đang củng cố hồ sơ để xử lý.