Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 tối 21-1, Bộ trưởng Olivier Véran nói rằng, biến thể mới ở Anh có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại. Dù được cho là không nguy hiểm hơn, biến thể mới có nguy cơ gây ra tình trạng rất nghiêm trọng: nhiều người nhiễm hơn dẫn tới số người nhập viện tăng và làm bệnh viện quá tải.
Theo ông Olivier Véran, tốc độ lây lan của biến thể mới có thể buộc chính phủ phải thay đổi chiến lược chống dịch trong những ngày tới. Pháp đang phải chạy đua với thời gian để hạn chế đà lây lan của dịch bệnh.
Các chuyên gia y tế tại Pháp đã liên tục đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ có tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến trong mấy tuần tới. Vì vậy, lệnh phong tỏa và đẩy mạnh tiêm chủng là giải pháp hiệu quả nhất để tránh nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh.
Dù lệnh giới nghiêm đã được áp đặt trên toàn quốc, số ca nhiễm hằng ngày ở Pháp vẫn ở mức rất cao, xấp xỉ 20 nghìn ca/ngày. Số người nhập viện và ca bệnh nặng cũng lại tăng đều trong cả tuần qua, làm gia tăng sức ép đối với các bệnh viện. Trong bảy ngày qua, có hơn 10 nghìn ca nhập viện và hơn 1.600 ca bệnh hồi sức cấp cứu.
Một số khu vực tại Pháp ghi nhận số ca nhiễm gia tăng đột biến trong những ngày gần đây. Tại tỉnh Oise cách Paris khoảng 80km về phía bắc, có tới 75 nhân viên của bệnh viện Compiègne-Noyon bị nhiễm bệnh. Cũng tại tỉnh này, một trường tiểu học đã phải đóng cửa sau khi phát hiện 27 ca nhiễm trong đó 22 học sinh.
Tính tới ngày 21-1, có hơn 823 nghìn người ở Pháp đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Số người đăng ký tiêm phòng tăng mạnh trong mấy ngày gần đây, tuy nhiên số lượng vaccine chưa đủ đáp ứng nhu cầu và hiện chỉ dành cho những người trên 75 tuổi.
Pháp đặt mục tiêu tiêm phòng cho bốn triệu người vào cuối tháng 2, 43 triệu vào cuối tháng 7 và toàn bộ dân số vào cuối tháng 8.
Có 131 người đã được xác định nhiễm biến thể ở Anh và 10 người khác nhiễm biến thể ở Nam Phi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Olivier Véran cho biết, số ca nhiễm biến thể ở Anh có thể tới 1,5% của tổng số ca nhiễm mới hằng ngày. Do các biến thể mới có tốc độ lay lan rất nhanh, người đứng đầu Bộ Y tế Pháp khuyến cáo người dân không dùng khẩu trang vải tự may vì có độ kháng khuẩn thấp.
Dịch bệnh cũng đang diễn biến rất phức tạp tại các nước châu Âu khác. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, số ca nhiễm giảm nhưng số người tử vong lại tăng cao hơn nhiều so với đợt dịch đầu năm. Các biến thể ở Anh và Nam Phi đã xuất hiện ở Đức và có thể có những biến thể khác. Theo Thủ tướng Angela Merkel, nếu không có biện pháp ngăn ngừa quyết liệt như lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn, Đức có thể phải đối mặt những làn sóng dịch bệnh tiếp theo.
Ngày 21-1, Bồ Đào Nha ghi nhận 13.544 ca nhiễm mới, vẫn ở mức rất cao so với kỷ lục hơn 14 nghìn của ngày hôm trước. Trước diễn biến nghiêm trọng như vậy, Thủ tướng Antonio Costa cho biết, sự gia tăng rất nhanh của các ca nhiễm có liên quan đến tốc độ lây lan của biến thể virus ở Anh. Vì vậy, chính phủ buộc phải đóng cửa trường học trong vòng 15 ngày.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là các biến thể virus, lãnh đạo các nước EU đang xem xét việc bổ sung các biện pháp hạn chế. Một trong những biện pháp cấp bách đã được đề cập tới là lệnh cấm du khách từ các nước ngoài khu vực trong đó có Anh. Một số nước như Đức và Pháp đã ra quy định nhập cảnh phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với những người đến từ Anh hay Nam Phi.
Hiện, Anh là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cả về số ca nhiễm và ca tử vong ở châu Âu. Trong ba ngày qua, nước này ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày.