Pháp vượt ngưỡng 30 nghìn ca Covid-19 mới/ngày, chính phủ áp dụng lệnh giới nghiêm

NDO -

Ngày 15-10, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố lệnh giới nghiêm đối với vùng thủ đô Ile-de-France và tám thành phố lớn khác nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang lây lan “chóng mặt”, Thủ tướng Jean Castex và bốn bộ trưởng đã có buổi họp báo để công bố cụ thể về những biện pháp mới.

Thủ tướng Jean Castex.
Thủ tướng Jean Castex.

Tối cùng ngày, Bộ Y tế Pháp thông báo có tới 30.621 ca mắc Covid-19 mới và 88 người tử vong trong vòng 24 giờ, mức cao kỷ lục.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Jean Castex, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire và Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne đã trình bày chi tiết về những biện pháp mới. Theo đó, lệnh giới nghiêm kéo dài ít nhất sáu tuần sẽ được áp dụng từ 21 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, có hiệu lực vào từ 0 giờ ngày 17-10 tại vùng thủ đô Ile-de-France và tám thành phố lớn trên cả nước gồm: Aix-Marseille, Lille, Grenoble, Lyon, Montpellier, Toulouse, Saint-Etienne và Rouen. Quyết định này có liên quan đến khoảng 20 triệu người dân Pháp. 

Tối 14-10, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định không phong tỏa toàn quốc như đại dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu, nhưng áp dụng lệnh giới nghiêm, tuy nhiên trường học không phải đóng cửa, không cấm đi lại giữa các vùng, không đóng cửa biên giới và khuyến khích làm việc từ xa, không nên tập trung quá sáu người và khuyến khích đeo khẩu trang thường xuyên, kể cả trong các cuộc họp mặt gia đình và bạn bè…

Thủ tướng Jean Castex cho biết: "Tất cả các bữa tiệc riêng, như tổ chức đám cưới hoặc liên hoan, gặp gỡ của sinh viên, được tổ chức trong hội trường, trong phòng đa năng hoặc bất kỳ cơ sở nào khác mở cửa cho công chúng trên khắp cả nước sẽ bị cấm”.

Trước đây những buổi tiệc như vậy chỉ bị cấm ở những vùng “báo động đỏ tối đa” thì nay sẽ bị cấm trên cả nước. Ngoài ra, "tất cả các nhà hàng ở Pháp sẽ phải tăng cường các biện pháp vệ sinh an toàn tối đa, bao gồm hạn chế tối đa số lượng khách sáu người mỗi bàn và đăng ký tên của khách hàng để có thể “tìm và liên hệ” khi cần thiết.

Trả lời thắc mắc của các nhà báo về các trường hợp được phép đi lại trong giờ giới nghiêm, Thủ tướng Jean Castex cho biết, các trường hợp ngoại lệ được phép đi lại trong giờ giới nghiêm phải có tờ khai lý do ra ngoài như lý do sức khỏe (đi khám bệnh, đến bệnh viện, đến nhà thuốc theo yêu cầu); lý do công việc (chẳng hạn như làm việc ban đêm); đi tàu hoặc máy bay sau 21 giờ tối “cần phải xuất trình vé”; giúp đỡ những người cần được giúp; dắt chó đi dạo gần nhà. 

Mẫu khai tương tự như mẫu trong thời gian phong tỏa vừa qua tải trên trang web của chính phủ từ thứ Sáu; các bản in, viết tay cũng sẽ được chấp nhận. Ông Jean Castex cho biết thêm, một số cơ sở sẽ không phải đóng cửa sớm như các cơ sở y tế, y tế - xã hội, các khách sạn, dịch vụ giao hàng tận nhà và các cơ sở công cộng cung cấp dịch vụ vào buổi tối và ban đêm. 

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết, chính phủ sẽ triển khai 12 nghìn nhân viên cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở các thành phố lớn áp dụng lệnh giới nghiêm. Người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 135 euro, những lần sau có thể tăng lên tối đa 3.750 euro hoặc sáu tháng tù giam nếu tái phạm.

Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đề cập đến sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào trong chín nơi bị áp dụng lệnh giới nghiêm, thừa nhận rằng biện pháp giới nghiêm sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và dịch vụ ăn uống trong khu vực giới nghiêm cũng có thể được hưởng lợi từ việc miễn hoàn toàn các khoản đóng góp của người sử dụng lao động ngay khi họ mất 50% doanh thu. Tất cả các doanh nghiệp bị đóng cửa về mặt hành chính sẽ được hưởng lợi từ việc miễn hoàn toàn các khoản đóng góp xã hội của người sử dụng lao động cho đến khi kết thúc thời gian giới nghiêm. “Quỹ đoàn kết sẽ được cung cấp cho tất cả các công ty trong khu vực giới nghiêm có ít hơn 50 nhân viên, “bất kể họ thuộc lĩnh vực nào”, ông Le Maire cho biết.

Kể từ khi chính phủ hoàn tất việc nới lỏng phong tỏa vào tháng Sáu, chỉ một số loại hình kinh doanh như doanh nghiệp du lịch mới đủ điều kiện để được cấp quỹ.

Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne cho biết bà sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các công đoàn và doanh nghiệp trong khu vực giới nghiêm để đề xuất hai hoặc ba ngày/tuần làm việc từ xa sẽ giúp giảm bớt tình trạng đông đúc trên phương tiện giao thông công cộng. Bà nói: "Tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong khu vực giới nghiêm, xác định số ngày làm việc từ xa tối thiểu cho những người có thể làm việc tại nhà".

Tối cùng ngày, Bộ Y tế Pháp thông báo có tới 30.621 ca mắc Covid-19 mới và 88 người tử vong trong vòng 24 giờ qua, một một kỷ lục mới kể từ khi xảy ra đại dịch đại dịch Covid-19 tại Pháp. Tính đến nay Pháp đã có 33.125 người tử vong, trong đó 22.269 chết tại bệnh viện. Số bệnh nhân nhập viện tăng 9.584 so với 9.173 ngày hôm qua, tức tăng thêm 411 giường bệnh trong 24 giờ. Hiện Pháp đã có tới 809.684 trường hợp mắc Covid-19. Mỗi ngày Pháp thực hiện khoảng  250 nghìn xét nghiệm PCR, tỷ lệ dương tính khoảng 10%.