Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, lệnh giới nghiêm được áp đặt tại nhiều nơi trên toàn nước Pháp do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.
Trong tháng 3, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố "Chúng ta đang có chiến tranh" để ban hành lệnh phong tỏa trên toàn quốc do đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trước nguy cơ của làn sóng thứ 2, lệnh giới nghiêm lại được thiết lập tài vùng thủ đô và tám khu đô thị khác gồm Lille, Grenoble, Lyon, Aix-Marseille, Montpellier, Rouen, Toulouse và Saint-Etienne trong danh sách "báo động tối đa."
Guyana, một vùng lãnh hải của Pháp, đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ nhiều tháng qua theo nhiều mức độ khác nhau, sau đó được tăng cường trong thời gian gần đây do dịch tái bùng phát. Kết quả cho thấy tỷ lệ lây lan đã giảm mạnh. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã quyết định áp dụng biện pháp này tại tất cả những khu vực trong tình trạng "báo động tối đa."
Kể từ ngày 17-10, người dân ở chín khu vực trên phải ở nhà trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Cũng như trong thời gian phong tỏa vào tháng 3 vừa qua, những người ra ngoài trong lúc giới nghiêm phải mang theo giấy xác nhận ra ngoài vì lý do công việc thiết yếu.
Khoảng 12.000 cảnh sát và hiến binh, với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương được huy động để bảo đảm việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. Những ai vi phạm sẽ bị phạt 135 euro và nếu vi phạm đến 3 lần thì có thể lãnh án tù 6 tháng và bị phạt tiền 3.750 euro.
Theo số liệu thống kê do Cơ quan Y tế Công cộng Pháp công bố tối 17-10, số ca nhiễm mới sau một ngày lại tăng lên mức kỷ lục kể từ khi dịch xuất hiện ở Pháp với 32.427 trường hợp và 145 ổ dịch mới.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã ở mức rất cao, 13,1%. Số người được điều trị trong bệnh viện là 10.339 trong đó có 1.868 ca hồi sức cấp cứu. Như vậy chỉ sau một tuần, có thêm hơn 7 nghìn ca nhập viện và gần 1.300 ca hồi sức cấp cứu, mức gia tăng rất mạnh so với các nước khác trong khu vực. Thống kê này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Pháp xấu đi nhanh hơn dự báo.
Do tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh tại nhiều địa phương, Chính phủ Pháp buộc phải thay đổi chiến lược đối phó đợt tấn công thứ hai của dịch bệnh. Biện pháp hạn chế mới được tính toán kỹ, không làm nhưng đình trệ hoạt động kinh tế mà chỉ hạn chế sinh hoạt xã hội vào buổi tối được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng lây nhiễm.
Thống kê số người nhiễm cũng như ca nhập viện cho thấy dịch bệnh rất nguy hiểm cho người cao tuổi hay bệnh mãn tính và hoành hành rất mạnh ở những khu dân cư nghèo. Bệnh viện ở các vùng "báo động tối đa" đã phải tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân và phải hạn chế hay lùi lịch mổ cho các bệnh nhân có bệnh khác.
Báo chí Pháp đăng nhiều tin, phóng sự về những giờ đầu thực hiện lệnh giới nghiêm, cho thấy đường phố ở các khu vực "báo động tối đa" vắng lặng hẳn so với những ngày trước. Các nhà hàng đóng cửa từ 21 giờ, không còn cảnh tụ tập theo thói quen của người Pháp, nhất là vào dịp cuối tuần.
Các lực lượng an ninh có mặt ở khắp nơi để kiểm soát lệnh giới nghiêm, nhắc nhở nhiều người còn ở ngoài đường trong ngày đầu tiên. Những người bán hàng rong không còn thấy ở các góc phố hay bến tàu. Điều này cho thấy người dân đã tuân thủ lệnh giới nghiêm, trừ một số trường hợp như ở Grenoble hay Marseille, nơi có một số người biểu tình phản đối lệnh này.
Trong ít nhất bốn tuần tới, cuộc sống của khoảng 20 triệu người dân ở Pháp sẽ có nhiều hạn chế để giúp cho chiến lược chống dịch của chính phủ có hiệu quả và tránh tình trạng phong tỏa như lúc xảy ra đợt bùng phát dịch đầu năm.
Pháp là nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch thứ 2, cần có sự đoàn kết và nỗ lực cộng đồng như Tổng thống E. Macron kêu gọi khi thông báo về các biện pháp hạn chế mới.
Lệnh giới nghiêm cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực tại Bỉ vào ngày 19-10 từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng. Tất cả quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trong thời gian ít nhất một tháng.
Tại Anh, kể từ 17-10, người dân ở Luân Đôn không được tiếp xúc với người ngoài trong nhà của mình.
Còn tại Ba Lan, các trường học sẽ đóng cửa tại các thành phố trong danh sách "vùng đỏ" và người dân không được tổ chức đám cưới cùng với số lượng hạn chế vào các cửa hàng, trên phương tiện công cộng hay nhà thờ.