Pháp tiếp tục là điểm đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất ở châu Âu

NDO -

Theo thống kê của Công ty Kiểm toán Ernst & Young, năm 2021 Pháp là điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất tại châu Âu trong năm thứ ba liên tiếp. Đây là kết quả của chiến lược tăng cường sức hấp dẫn đầu tư và quá trình tái công nghiệp hóa tại Pháp. 

Pháp duy trì vị trí dẫn đầu về đầu tư nước ngoài kể từ năm 2019.
Pháp duy trì vị trí dẫn đầu về đầu tư nước ngoài kể từ năm 2019.

Sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng dịch bệnh, tới năm 2021 các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại châu Âu với 5.877 dự án mới hoặc mở rộng, tăng 5% so với năm 2020.

Trong tổng số này, có tới 1.222 dự án đầu tư vào Pháp, do vậy nước này tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong khu vực. Kết quả này cũng giúp Pháp nới rộng khoảng cách với Vương quốc Anh và Đức, hai nước đứng thứ hai và ba. 

Phân tích của các chuyên gia thuộc Ernst & Young cho thấy trong thời gian vừa qua Pháp đã tận dụng được lợi thế từ Brexit, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài chuyển tới Pháp, nhất là các dự án công nghiệp. Do tỷ lệ thất nghiệp ở Đức ở mức rất thấp, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang thị trường việc làm ở Pháp.  

Kết quả này có được là nhờ có chiến lược tăng cường sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài được Chính phủ Pháp triển khai từ năm 2017. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng đã thúc đẩy Pháp phải tái cơ cấu và tăng dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và hậu cần, lần lượt tăng 18% và 37% so với năm 2019.

Chính phủ Pháp cũng đã tiến hành nhiều kế hoạch cải cách cho thị trường lao động, hệ thống thuế nhằm tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. 

Các thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, một yếu tố quan trọng để đưa nước Pháp trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu trong suốt ba năm qua. 

Sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài đã giúp nước Pháp giành lại các thị trường xuất khẩu để cải thiện cán cân thương mại thông qua quá trình tái công nghiệp hóa và tái định vị các chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Thống kê và Nghiên cứu Quốc gia Pháp (INSEE) công bố ngày 31/5, lạm phát ở nước này đã tăng lên tới 5,2%, mức cao nhất kể từ tháng 9/1985. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp giảm 0,2% trong quý I năm nay. Còn tiêu dùng hộ gia đình giảm 0,4% trong tháng 4. 

Theo INSEE, tất cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng trong tháng 5, nhất là năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ xung đột ở Ukraine khiến nguồn cung cấp bị gián đoạn nghiêm trọng. 

Một số nước châu Âu cũng ghi nhận mức lạm phát tăng cao trong tháng 5 so với cùng kỷ năm trước, ở mức 7,9% tại Đức và 8,7% ở Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ngày 27/5, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne khẳng định rằng sức mua cùng y tế và khí hậu sẽ là ba mục tiêu hành động "khẩn cấp" của chính phủ. Trong đó, tăng sức mua cho người dân sẽ là chương trình hành động đầu tiên sau hai vòng bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 12 và 19/06.