Pháp thúc đẩy cải cách Khu vực Schengen

NDO -

Ngày 9/12, phát biểu trong một cuộc họp báo tổ chức tại Điện Élysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày chi tiết các mục tiêu và tham vọng của nước này khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng, từ ngày 1/1/2022.

Tổng thống Emmanuel Macron. (Ảnh: LCI)
Tổng thống Emmanuel Macron. (Ảnh: LCI)

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ nỗ lực để hướng tới một EU mạnh mẽ và “có chủ quyền”, đồng thời thúc đẩy cải cách Khu vực Schengen về việc đi lại tự do giữa 26 quốc gia trong EU. Ông Macron cũng nêu bật tầm quan trọng của EU, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm biến nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU tháng trở nên “hữu ích”. Ông Macron nói: “Mục tiêu của Pháp là hướng tới một EU hùng cường trên thế giới, hoàn toàn có chủ quyền, tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình.

Tổng thống Macron kêu gọi “thiết lập đường hướng chính trị” cho Schengen, thông qua các cuộc họp thường kỳ của các Bộ trưởng EU phụ trách các vấn đề này, cũng như các cơ chế hỗ trợ đoàn kết trong trường hợp xảy ra khủng hoảng biên giới của một quốc gia thành viên.

Theo ông Macron, Pháp dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU bất thường trong hai ngày 10 và 11/3/2022 tại Paris.

Về vấn đề môi trường, ông Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ đề xuất một cơ chế mới của EU để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các khu vực rừng bị phá. “Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc tạo ra một công cụ của EU nhằm chống lại nạn phá rừng”, ông Macron nói. Các sản phẩm đậu nành, thịt bò, thậm chí cà-phê, có thể bị cấm ở EU nếu chúng góp phần vào nạn phá rừng.

Tổng thống Pháp đề nghị thảo luận với châu Phi và khu vực Balkan tổ chức một hội nghị cấp cao giữa EU và Liên minh châu Phi (AU) trong tháng 2, tại Brussels (Bỉ). Ông Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ EU-châu Phi vì hòa bình và thịnh vượng. “Đó là lợi ích chung của chúng ta”, ông nói.

Ông Macron cũng cho biết, EU nên xem xét lại các quy tắc thâm hụt ngân sách nghiêm ngặt của mình khi các chính phủ chi tiêu mạnh tay để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch Covid-19.