Phát biểu tại cuộc họp báo tối 20/1, Thủ tướng Jean Castex cho biết tình hình dịch bệnh tại Pháp bắt đầu có những chuyển biến tích cực, cho phép nới lỏng một số hạn chế từ tháng 2. Còn luật về chứng nhận tiêm chủng sẽ có hiệu lực ngay từ đầu tuần tới.
Kể từ ngày 24/1, những người chưa tiêm chủng không được tham gia các hoạt động thể thao và giải trí đông người, vào nhà hàng, quán bar, hội chợ hoặc sử dụng phương tiện công cộng liên vùng. Xét nghiệm âm tính sẽ không được chấp nhận trừ những người đến từ các cơ sở y tế.
Chứng nhận tiêm chủng sẽ chỉ được áp dụng với người từ 16 tuổi trở lên. Chứng nhận tiêm chủng được cấp cho những người đã tiêm mũi nhắc lại, đã khỏi bệnh, hoặc có chứng nhận không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe. Cũng vào ngày 24/1, Pháp sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi.
Theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Phân tích kinh tế (CAE) của Chính phủ Pháp, chứng nhận y tế (với người đã tiêm chủng, đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính) đã giúp tránh được nguy cơ tử vong cho gần 4.000 người trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2021.
Lộ trình nới lỏng hạn chế gồm hai bước sẽ bắt đầu từ đầu tháng 2. Cụ thể là từ 2/2, không bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời, bỏ giới hạn 2.000 người ở không gian khép kín và 5.000 người tụ tập ở ngoài trời và không còn quy định bắt buộc làm việc 3 ngày ở nhà.
Từ 16/2, đồ ăn và uống được bán cho khách tới rạp chiếu phim, sân thể thao và trên tàu. Các hộp đêm sẽ được mở cửa trở lại kể từ khi bị đóng cửa vào đầu tháng 12/2021. Một số quy định khác tiếp tục được duy trì, như đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng khép kín.
Thủ tướng Pháp cho biết, một số hạn chế ở trường học sẽ được xem xét để dỡ bỏ sau kỳ nghỉ trong tháng 2 như quy định bắt buộc khẩu trang.
Kể từ đầu năm 2022, Pháp ghi nhận tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất so với các nước trong khu vực, từ 200 đến hơn 300 nghìn trường hợp. Liên tục trong ba ngày qua, số ca nhiễm hằng ngày đạt mức kỷ lục, hơn 400 nghìn.
Theo Bộ Y tế Pháp, biến thế Omicron hiện chiếm hơn 94% số ca phải nhập viện, còn lại là do biến thể Delta. Có một số dấu hiệu tích cực về làn sóng dịch thứ 5 khi số ca nhiễm ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất như vùng thủ đô Ile-de-France bắt đầu giảm. Tình hình tại các khoa hồi sức cấp cứu bớt căng thẳng hơn tuần trước.
Dù vậy, các chuyên gia y tế Pháp cho rằng, cần thận trọng trong những ngày tới vì chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc không chỉ ở Pháp mà trên cả thế giới, và không thể loại trừ khả năng có một biến thể mới.
Cũng trong ngày 20/1, Quốc hội Áo đã thông qua luật tiêm vaccine bắt buộc đối với người lớn từ đầu tháng 2, trở thành nước đầu tiên trong khối EU đưa ra quy định như vậy. Áo hiện đang áp dụng lệnh phong tỏa đối với người chưa tiêm phòng hay không có xác nhận khỏi bệnh trong vòng 180 ngày, có hiệu lực từ giữa tháng 11/2021.
Một số nước khác cũng đã đưa ra quy định tiêm chủng bắt buộc như áp dụng với người lớn tuổi, như trên 60 tuổi ở Hy Lạp, trên 50 tuổi ở Italy. Đức và Slovakia đang xem xét việc áp dụng quy định tiêm chủng bắt buộc.
Trong khi đó, vào ngày 19/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo việc dỡ bỏ một số quy định chống dịch như đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng và trường học, làm việc ở nhà cũng như chứng nhận tiêm vaccine để tham dự các sự kiện đông người. Như vậy, Anh trở thành nước nới lỏng nhất ở châu Âu.