Mức cao nhất trước đó là 332.252 ca được ghi nhận vào ngày 5/1, và kể từ đó, Pháp tiếp tục chứng kiến thêm 2 ngày nữa có số ca mắc mới trên 300 nghìn ca, khi biến thể mới Omicron dễ lây lan đang dần thay thế Delta trở thành biến thể “thống trị” tại nước này.
Trung bình trong 7 ngày qua, số ca bệnh mới tại Pháp đã tăng lên mức hơn 280 nghìn ca/ngày tính đến ngày thứ ba.
Để ứng phó với tình trạng lây nhiễm tăng cao, vào giữa tháng này, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi đi ăn nhà hàng hoặc tham dự các sự kiện trong nhà.
Trong 24 giờ qua, Italia cũng ghi nhận mức tăng cao kỷ lục với 220.532 ca nhiễm mới, cao thứ hai châu lục sau Pháp và tăng hơn 2 lần so với chỉ 1 ngày trước đó (101.762 ca). Xếp thứ ba là Tây Ban Nha (134.942 ca) và tiếp theo là Anh (120.821), đều là những nước ghi nhận trên 100 nghìn ca mắc mới trong ngày.
Trong khi đó, Slovenia và Serbia cũng báo cáo số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Với tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đạt 67,3% cho dân số khoảng 2 triệu người, Slovenia ghi nhận 5.164 trường hợp mắc mới, tăng 52% so với 1 tuần trước đó.
Serbia báo cáo 13.693 ca mắc mới và 22 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi trong đại dịch lên 12.958 ca trên tổng số 1.359.544 ca mắc.
Tại Ba Lan, số ca tử vong do Covid-19 kể từ đầu dịch đến nay đã vượt mốc 100 nghìn, đưa nước này vào nhóm các nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.
Trong 24 giờ qua, Ba Lan ghi nhận 493 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi từ đầu dịch đến nay lên 100.254 người. Tỷ lệ tử vong trong 100 nghìn dân ở Ba Lan trong 14 ngày qua là 14,31, cao thứ 6 thế giới sau các nước Trinidad và Tobago, Moldova, Georgia, Hungary và San Marino.
Cùng ngày, bà Anna Popova, Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga cảnh báo, nước này có thể chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh trong vài tuần tới.
Theo bà Popova, hiện Nga đã ghi nhận 305 ca nhiễm biến thể Omciron tại 13 khu vực. Bà cũng cảnh báo các ca nhiễm mới hằng ngày có thể tăng lên mức “sáu con số” nếu các biện pháp phòng dịch thích hợp không được tuân thủ.
Theo trang thống kê worldometers.info, toàn châu Âu đã ghi nhận tới 1.218.355 ca mắc mới trong 24 giờ qua, chiếm gần 1 nửa tổng ca mắc trong ngày toàn cầu, vượt xa các khu vực khác.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu cảnh báo, hơn 50% dân số châu Âu có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay.
Theo ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, 50 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu thuộc WHO đã xác nhận xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron. Tính đến ngày 10/1, có 26 quốc gia trong số này đã ghi nhận hơn 1% dân số mắc Covid-19 mỗi tuần. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần.
Còn tại Mỹ, nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch với thêm 672.479 ca mắc mới ghi nhận trong ngày, nâng tổng số ca mắc lên 63.390.483 ca và 863.896 ca tử vong. Riêng trong ngày đầu tuần, Mỹ đã ghi nhận tới 1,35 triệu ca nhiễm mới, cao nhất thế giới.
Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 132.646 ca mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị, vượt mốc cao kỷ lục 132.051 ca hồi tháng 1/2021. Số ca nhập viện ở Mỹ đã tăng liên tục kể từ cuối tháng 12 năm ngoái và gấp đôi trong 3 tuần gần đây, trong bối cảnh Omicron đang lây lan nhanh chóng và trở thành biến thể chủ đạo, đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden ngày 11/1 bày tỏ tin tưởng Mỹ vẫn đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống Covid-19, ngay cả khi nước này đang phải chứng kiến mức tăng cao các ca bệnh mới.
Các quan chức Nhà Trắng cũng cho biết, tình hình hiện nay khác với các giai đoạn trước của đại dịch vì ngày càng có nhiều người Mỹ được tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường.
Tại châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 74.266 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. So sánh với thời điểm cuối tháng 12, con số này ở mức khoảng 20 nghìn ca/ngày.
Lây nhiễm tăng cao khiến Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca phải cảnh báo về mối nguy hiểm do biến thể Omicron gây ra. Ông Koca lo ngại khi các ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên, biến thể mới sẽ là nguồn lây nhiễm gây nguy hiểm cho những người thuộc nhóm nguy cơ, có thể dẫn đến tử vong ở người cao tuổi và mắc bệnh mãn tính.
Ấn Độ ngày 11/1 thông báo ghi nhận thêm 168.063 ca mắc mới, tăng gấp 20 lần trong vòng 1 tháng, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 35,88 triệu ca. Số ca tử vong vì dịch Covid-19 cũng tăng 277 ca lên 484.213 ca.
Biến thể Omicron đang lây lan nhanh và trở thành biến thể chủ đạo tại các vùng đô thị ở Ấn Độ. Trước tình hình này, nhiều bang đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, trong khi thủ đô New Dehli áp đặt lệnh phong tỏa vào cuối tuần, đóng cửa các nhà hàng và quán bar.
Cùng ngày, Nhật Bản thông báo sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh với những người đến từ nước ngoài mà không phải là công dân hay thường trú nhân cho đến cuối tháng 2. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ giới hạn số người nhập cảnh vào nước này ở mức khoảng 3.500 người/ngày.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) quản lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi thứ ba cho người cao tuổi và bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng khác vào tháng 3 năm nay, sớm hơn so kế hoạch ban đầu.
Tại Đông Nam Á, Indonesia quyết định cung cấp miễn phí vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ ba cho tất cả người dân, nhằm tăng cường miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến. Chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ chính thức được khởi động vào ngày 12/1, trong đó ưu tiên người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương. Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ ba và thứ hai là 6 tháng.
Tại Malaysia, chính phủ nước này sẽ cho phép học sinh tiểu học tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà và nộp kết quả cho nhà trường. Các phụ huynh sẽ phải bảo đảm việc tự xét nghiệm diễn ra theo đúng quy trình do Bộ Y tế quy định.