Phát biểu tại cuộc họp báo để thông báo về gói kích cầu 100 tỷ euro, Thủ tướng Pháp cho biết, kế hoạch này không chỉ nhằm khắc khục những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn nhằm chuẩn bị cho sự phát triển trong những năm tới. Ưu tiên hàng đầu là khôi phục kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Gói kích cầu này được phân bổ cho ba lĩnh vực gồm 35 tỷ euro để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đầu tư trở lại trong nước, nâng cao năng suất cũng như sức cạnh tranh và phát triển các công nghệ mới. Tiếp đó là 30 tỷ euro cho các dự án đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi sinh thái. Số còn lại sẽ được đầu tư cho hệ thống y tế, đào tạo, giảm thuế cho doanh nghiệp để tránh sa thải nhân viên và tuyển dụng giới trẻ mới tốt nghiệp và tham gia thị trường lao động.
Mục tiêu của Chính phủ Pháp là có thêm 240 nghìn việc làm vào năm 2022.
Đề cập đến mức đầu tư rất lớn cho chuyển đổi sinh thái, Thủ tướng Jean Castex khẳng định mục tiêu "xanh hóa nền kinh tế" của Pháp. Theo đó, 11 tỷ euro sẽ được đầu tư cho việc phát triển hệ thống đường sắt, giao thông công cộng và đường dành cho xe đạp.
Mục đích của kế hoạch đầu tư này là khôi phục hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong ngắn hạn và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của Pháp tới năm 2030. Khoảng 70 biện pháp sẽ được triển khai trong vòng hai năm rưỡi.
Hàng loạt chính sách ưu đãi sẽ được đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp để lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo thêm việc làm, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của Pháp vào các nhà cung cấp nước ngoài. Thủ tướng Jean Castex cho rằng, sự phụ thuộc của nền kinh tế Pháp đã ở mức khó chấp nhận, nhất là trong những lĩnh vực như y tế, kỹ thuật số hay điện tử.
Đây là kế hoạch phục hồi kinh tế lớn gấp bốn lần so với chương trình tái thiết kinh tế của Pháp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tương đương 4% tổng sản phẩm nội địa của nước này (hơn 2.400 tỷ euro năm 2019) và ở mức đầu tư cao nhất so với các nước khác ở châu Âu. Gần một nửa của gói kích cầu này sẽ được trích xuất từ kế hoạch kích cầu do EU thông qua trong tháng 7 vừa qua.
Đây cũng là lần thứ ba Chính phủ Pháp đưa ra gói kích cầu nhằm khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong tháng 3 ngay sau khi dịch bắt đầu bùng phát, Chính phủ Pháp đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp với 45 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp như trợ cấp thất nghiệp bán phần, bảo đảo thu nhập cho người lao động. Tới giai đoạn 2 của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, Chính phủ Pháp cứu trợ một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt như hàng không, sản xuất ô-tô và du lịch.
Trong quý 2, GDP của Pháp đã giảm ở mức kỷ lục, 13,8%, do tác động nặng nề của dịch bệnh. Nước Pháp đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1945, trong khi đó dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái bùng phát. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây liên tục ở mức rất cao, tới 7.017 ca trong ngày 2-9 và số ca bệnh nặng cũng có dấu hiệu tăng dần.