Nội các mới gồm 16 bộ trưởng, 14 quốc vụ khanh (thứ trưởng), một người phát ngôn của chính phủ, trong đó có 17 nữ và 14 nam như chính phủ trước. Về sự cân bằng đảng phái, có nhiều gương mặt của cánh hữu dù đa số vẫn xuất phát từ xã hội dân sự.
Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao vẫn được giao cho ông Jean-Yves Le Drian. Bà Florence Parly vẫn là Bộ trưởng Quân đội, còn ông Jean-Michel Blanquer tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. Hai ông Bruno Le Maire và Olivier Véran tiếp tục điều hành Bộ Kinh tế và Y tế.
Có một số thay đổi đáng chú ý khi ông Gérald Darmanin, phụ trách Bộ Ngân sách, chuyển sang làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong số tám vị trí được bổ nhiệm mới có bà Barbara Pompili, một cựu thành viên đảng Sinh thái, trở thành Bộ trưởng Chuyển tiếp Sinh thái và Đoàn kết. Bộ trưởng Tư pháp, ông Eric Dupond-Moretti và Bộ trưởng Văn hóa, bà Roselyne Bachelot cũng là hai gương mặt mới.
Như vậy, nội các mới không có sự thay đổi hay điều chỉnh lớn như Tổng thống Emmanuel Macron từng đề cập. Việc bổ nhiệm thủ tướng cũng như lựa chọn nội các mới cho thấy Tổng thống Pháp muốn duy trì sự cân bằng của đại diện đảng phái, thành viên mới và cũ. Việc công bố nội các mới chỉ trong vòng ba ngày khẳng định quyết tâm của Tổng thống và Thủ tướng nhằm khẩn trương hành động trong công cuộc phục hồi kinh tế.
Cuối tuần qua, tân Thủ tướng Jean Castex nói rằng, ưu tiên của ông là hành động thật nhanh, giải quyết dứt điểm những hồ sơ chưa xong hay bị trì hoãn trong thời gian qua do dịch bệnh, nhất là cải cách lương hưu. Trong ba năm qua, chính phủ tiền nhiệm đã thúc đẩy nhiều việc như tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều việc còn chưa xong do đại dịch Covid-19 và nền kinh tế Pháp đang trải qua giai đoạn suy thoái nghiêm trọng. Vì vậy, Chính phủ mới sẽ gặp rất nhiều thách thức, phải tập trung xử lý nhiều vấn đề như phục hồi kinh tế, việc làm, sinh thái.