Pháp chuẩn bị sang giai đoạn mới chống dịch Covid-19

NDO -

Ngày 27-10, Pháp ghi nhập hơn 33 nghìn ca nhiễm mới và 523 ca tử vong, cho thấy dịch bệnh đang ở giai đoạn khó kiểm soát. Trước tình hình nghiêm trọng như vậy, tối 28-10, Tổng thống Pháp sẽ thông báo biện pháp ứng phó mới, nhiều khả năng là tái phong tỏa toàn quốc ngay từ ngày 29-10.

Chuyển bệnh nhân tới vùng Pays de la Loire ở phía tây ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh: CHU Angers)
Chuyển bệnh nhân tới vùng Pays de la Loire ở phía tây ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh: CHU Angers)

Sau nhiều ngày có số ca nhiễm cũng như nhập viện ở mức kỷ lục và cao hơn nhiều so các nước trong khu vực, tỷ lệ tử vong ở Pháp bắt đầu tăng mạnh. Thống kê từ các cơ quan y tế ở Pháp cho thấy, tỷ lệ tử vong đã gần bằng lúc đỉnh điểm của làn sóng đầu tiên trong tháng 4 với hơn 700 ca/ngày. Pháp hiện có số ca nhiễm và ca tử vong cao nhất khu vực EU.

Trong hai ngày 27 và 28-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì các cuộc họp Hội đồng Quốc phòng để đánh giá tình hình dịch bệnh và xem xét biện pháp ứng phó khẩn cấp vào thời điểm một số bệnh viện gần kín chỗ cho bệnh nhân Covid-19.

Tình hình hiện rất khó kiểm soát và từ cuối tuần trước, Tổng thống Pháp đã cho biết "không có sự lựa chọn nữa". Như vậy, Pháp buộc phải đưa ra biện pháp siết chặt tối đa, chặn đà lây lan dữ hội của dịch bệnh và tránh làn sóng bệnh nhân như trong đợt dịch trước.

Vào 20 giờ tối 28-10, Tổng thống Pháp sẽ có bài phát biểu trên truyền hình để thông báo về biện pháp mới chống dịch Covid-19. Thông tin từ báo chí Pháp cho biết, nhiều khả năng lệnh phong tỏa sẽ lại được triển khai trên toàn quốc ngay từ ngày 29-10. Lệnh phong tỏa sẽ linh hoạt hơn đợt trước, kéo dài một tháng và duy trì hoạt động kinh tế thiết yếu cũng như trường học từ mầm non đến cấp 3, trừ đại học.    

Sau cuộc gặp của Thủ tướng với đại diện các đảng phái và các nhóm nghị sĩ, người phát ngôn của chính phủ, ông Gabriel Attal cho biết, số bệnh nhân gia tăng theo cấp số nhân do đó, các biện pháp khẩn cấp phải được đưa ra sớm để ứng phó dịch bệnh hiện đã ở mức rất nguy hiểm. Việc xem xét và lực chọn biện pháp ứng phó rất khó khăn và có thể phải tái phong tỏa theo khu vực hay toàn quốc. Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cũng đề cập việc phong tỏa trong vài tuần và duy trì hoạt động cho trường học, dịch vụ công và hoạt động kinh tế thiết yếu để tránh "thảm họa kinh tế".

Một số cơ quan y tế vùng đã yêu cầu các bệnh viện kích hoạt lại "kế hoạch trắng", tăng cường nhân lực và giường hồi sức cấp cứu vì áp lực đang gia tăng rất nhanh ở các khu hồi sức cấp cứu. Hiện, Pháp đã có hơn 2.900 ca bệnh nặng, tăng hàng trăm ca mỗi ngày trong khi chỉ có 5.800 giường hồi sức cấp cứu trên toàn quốc. Trong mấy ngày qua, một số bệnh nhân ở các vùng đã được chuyển từ các vùng có nguy cơ quá tải tới vùng có ít bệnh nhân.

Việc phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế. Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp (CPME) cảnh báo, nguy cơ thiệt hại kinh tế ngày càng nghiêm trọng vì nhiều doanh nghiệp hiện ở trong tình trạng "mong manh" hơn nhiều so tháng 3 và có thể "sụp đổ" bất kỳ lúc nào.

Các chuyên gia y tế Pháp cho rằng, làn sóng thứ hai của dịch bệnh tại nước này có xu hướng nghiêm trọng hơn đợt trước. Chính phủ phải hành động ngay, dù khó khăn trong việc lựa chọn biện pháp mới, nếu không, tình hình sẽ vượt tầm kiểm soát, nhất là đối với các bệnh viện.

Các nước châu Âu khác cũng đang phải ứng phó đợt bùng phát thứ hai rất dữ dội của dịch Covid-19. Nhiều nước như Tây Ban Nha, Italy, Bỉ hay Đức liên tục phải ban hành những biện pháp nghiêm ngặt, gồm cả phong tỏa theo khu vực và giới nghiêm vào buổi tối, hạn chế sự lây lan ; đồng thời, cố gắng tìm cách duy trì hoạt động kinh tế.

Tình hình trong những tuần tới ở châu Âu sẽ còn rất nhiều khó khăn. Lo ngại ngày càng tăng không chỉ về tốc độ bùng phát của dịch bệnh mà cả nguy cơ suy sụp kinh tế.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường