Cùng ngày, Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ có một cuộc họp khẩn về vấn đề Mali. Phát biểu trước báo giới Pháp, ông Fabius đã bác bỏ việc so sánh chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali với chiến dịch quân sự bị kéo dài của các nước phương Tây ở Afghanistan. Ông nói: “Sau này, chúng tôi có thể đến Mali để giúp đỡ, nhưng chúng tôi không hề có ý định ở đây mãi mãi”.
Ông Fabius tuyên bố rằng nếu nước Pháp không can thiệp quân sự, có nguy cơ phiến quân Hồi giáo sẽ đánh tới tận thủ đô Bamako của Mali và gây ra “những hậu quả khôn lường”. Ông cũng cho biết thêm, sự can thiệp quân sự của Pháp đã ngăn chặn thành công và đẩy lùi phiến quân về phía nam.
Ngày 13-1, các máy bay chiến đấu của Pháp đã ném bom xuống TP Gao ở miền đông Mali, mở rộng cuộc can thiệp quân sự của họ sâu vào bên trong lãnh thổ của quân nổi loạn. Trước đó một ngày, quân đội Pháp đã được triển khai nhằm chống lại các lực lượng phiến loạn Hồi giáo ở Mali, và đã trợ giúp chính phủ Mali chiếm lại thành phố mang tính chiến lược Konna.
Một quan chức giấu tên của Điện Elysee được AFP dẫn lời cho biết các lực lượng quân đội của Pháp đã bị khả năng chiến đấu và trang bị vũ khí của quân nổi loạn gây bất ngờ. Trong ngày hôm qua, phiến quân đã bắn rơi một máy bay lên thẳng của Pháp làm thiệt mạng một phi công.
Một sĩ quan quân đội Mali hôm qua cho biết cho đến nay đã có hơn 100 phiến quân bị tiêu diệt. Kể từ khi Pháp bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự của họ hôm 12-1, đã có ít nhất 11 lính thuộc quân đội Mali và một phi công lái máy bay lên thẳng của Pháp bị thiệt mạng.
Pháp hiện đã gửi khoảng 550 lính tới TP trung tập Mopti và thủ đô Bamako của Mali. Dự kiến trong một vài ngày tới, binh lính từ các nước châu Phi lân cận như Niger Niger, Burkina Faso, Nigeria và Togo cũng sẽ tới để tham gia chiến dịch cùng với các binh lính thuộc quân đội Pháp.