Pháp bắt đầu xét xử 14 nghi phạm trong vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo năm 2015

NDO -

Ngày 2-9, Tòa Đại hình thành phố Paris chính thức mở phiên tòa đặc biệt, đưa ra xét xử 14 nghi phạm có liên quan đến các khủng bố đẫm máu nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và siêu thị Hyper Cacher ở Paris, làm 17 người chết trong tháng 1-2015. Phiên tòa thu hút quan tâm đặc biệt của dư luận Pháp. 

An ninh được thắt chặt bên trong và ngoài nơi ra phiên tòa. Ảnh: Aude Bariéty - Le Figaro.
An ninh được thắt chặt bên trong và ngoài nơi ra phiên tòa. Ảnh: Aude Bariéty - Le Figaro.

Vụ xét xử được tiến hành sau hơn năm năm kể từ thời điểm xảy ra các vụ khủng bố. Có 14 nghi phạm được xét xử trực tiếp với tội danh tòng phạm khủng bố. Ba nghi phạm khác bị xét xử vắng mặt. Báo chí Pháp dẫn nguồn tin của tình báo Pháp cho rằng những nghi phạm này có thể đã thiệt mạng sau khi đào tẩu khỏi nước Pháp và trốn sang Syria.

Sáng ngày 7-1-2015, anh em nhà Saïd và Chérif Kouachi đã tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, một tờ báo chuyên đăng tải các bài viết và hình ảnh châm biếm ở quận 11 của Paris, làm 12 người thiệt mạng và một số người bị thương nặng.

Tiếp đó vào 8-1-2015, một phần tử khủng bố, có liên hệ với hai kẻ khủng bố đã tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, đã giết hại một nữ cảnh sát tại thành phố Montrouge, nằm ở ngoại ô phía tây nam Paris, trước khi giết hại bốn người khác tại một siêu thị ở quận 20, ngoại ô Paris, vào ngày hôm sau, 9-1-2015. 

Ba thủ phạm trực tiếp của các vụ khủng bố đều đã bị tiêu diệt, chỉ còn lại những đồng phạm được xét xử tại tòa án đặc biệt này. Trong suốt hơn hai tháng, 14 đối tượng, ba vắng mặt, được đưa ra xét xử vì bị nghi ngờ hỗ trợ hậu cần, tổ chức hành động khủng bố cho hai anh em Saïd Kouachi, Chérif Kouachi và Amedy Coulibaly, những kẻ trực tiếp tiến hành các vụ khủng bố và sau đó bị các lực lượng an ninh Pháp tiêu diệt. 

Các bị cáo này phải đối diện với mức án 30 năm tù.

Phiên tòa ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 5 vừa qua nhưng sau đó bị hoãn lại do cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong số rất ít phiên tòa và lần đầu tiên của các vụ xét xử khủng bố được ghi hình toàn bộ và sau đó chuyển đến cơ quan lưu trữ về tư pháp. 

Đây là một phiên tòa đặc biệt vì không có các hội thẩm nhân dân mà chỉ có các thẩm phán và 94 luật sư và 200 đại diện dân sự. Có 144 nhân chứng và 14 chuyên gia sẽ ra điều trần trước tòa. Khối lượng hồ sơ của vụ xét xử cũng ở mức rất lớn gồm các bản tường trình của cảnh sát, nhân chứng, bị cáo, chuyên gia... Khoảng 90 cơ quan truyền thông của Pháp và quốc tế được phép đưa tin trong quá trình xét xử. Phiên tòa không được truyền hình trực tiếp trên truyền hình hay mạng internet. 

Trước đó vào ngày 31-8, Bộ trường Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã công bố những con số đáng báo động, cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn còn rình rập nước Pháp. Từ năm 2013, 61 âm mưu khủng bố đã bị triệt phá, trong đó có 32 âm mưu từ năm 2017 tới nay.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết, một âm mưu khủng bố quy mô lớn đã được triệt phá vào đầu năm 2020. Tính đến ngày 31-8-2020, có hơn 8 nghìn phần tử đã bị cảnh sát Pháp đưa vào danh sách theo dõi, đề phòng tình trạng cực đoan hóa, có nguy cơ tiến hành khủng bố. Pháp hiện đang giam giữ hơn 500 phần tử được coi là khủng bố Hồi giáo và hơn 700 phần tử được cho là đã bị cực đoan hóa. 

Ngày 1-9, tờ báo Charlie Hebdo đã cho xuất bản lại các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamed, vốn được cho là nguồn gốc gây nên vụ tấn công cách đây 5 năm. Đây là hành động gây nhiều tranh cãi khi nhiều người cho rằng tờ Charlie Hebdo đang “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh phức tạp của phiên tòa. Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện IFOP đưa ra ngày 1-9, 69% người theo đạo Hồi tại Pháp cho rằng việc làm của tờ Charlie Hebdo là một hành động khiêu khích. Còn 59% người dân Pháp ủng hộ hành động này. 

Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 49 ngày và kết thúc vào ngày 10-11.