Pháp- Ấn Độ cam kết sẽ " làm nhiều hơn" để chống biến đổi khí hậu

NDO -

NDĐT- Ngày 3-6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố hai nước sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và sẽ "làm nhiều hơn" Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống E.Macron đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Điện Elysée. Ảnh: Reuters.
Tổng thống E.Macron đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Điện Elysée. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống E.Macron tại Paris trong chuyến thăm Pháp, Thủ tướng Narendra Modi, nói: "Bảo vệ môi trường và "mẹ trái đất" là một đức tin... Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được 195 nước thông qua tại thủ Paris tháng 12-2015 "có thể bảo vệ cho các thế hệ tương lai và hy vọng mới".

Thủ tướng Narendra Modi khẳng định, Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên, thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Ấn Độ là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngày 2-10-2016.

Tổng thống E.Macron nói: "Chúng tôi tin rằng hai nước chúng ta cần phải làm rất nhiều để chuyển đổi sinh thái và môi trường, chống lại sự ấm lên toàn cầu".

Báo chí Pháp cho hay, hai nhà lãnh đạo đưa ra cam kết trên chỉ hai ngày sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thống E.Macron tuyên bố Hiệp ước Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này. Quyết định của Mỹ khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích.

Theo Reuters, hai nhà lãnh đạo Pháp và Ấn Độ cũng đã thảo luận biện các biện pháp chống khủng bố, hợp tác kinh tế và năng lượng hạt nhân...

Tổng thống E.Macron nói rằng ông sẽ thăm Ấn Độ vào cuối năm nay và dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Liên minh quốc tế về năng lượng Mặt trời (International Solar Alliance) do sáng kiến của New Delhi và Paris đạt được trong các cuộc đàm phán về khí hậu ở Paris.

Ông Macron cho biết, liên minh sẽ đưa ra các biện biện pháp cụ thể ủng hộ việc sử dụng năng lượng mặt trời và cam kết từ các công ty của cả hai nước.

Quan hệ giữa Pháp và Ấn Độ được tăng cường trong những năm gần đây, đặc biệt trên lĩnh vực quốc phòng, trong đó Ấn Độ đã đặt mua của Pháp 36 máy bay chiến đấu Rafale.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) tháng 12-2015, có hiệu lực kể từ ngày 4-11-2016, quy định các biện pháp về chống biến đổi khí hậu, nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 đến 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là lần đầu tiên một văn bản quốc tế nhận được tham gia mạnh mẽ và nhanh chóng, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.