GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng tiến bộ khoa học công nghệ có tác động đến các lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục, là xu thế tất yếu. Vấn đề là, chúng ta sử dụng như thế nào cho hiệu quả và hợp lý.
“Trong dạy học, không chỉ thuần túy dạy kiến thức, mà còn là tìm ra khả năng để phát triển năng lực cá nhân của mỗi người, đây là điều quan trọng. Trong giáo dục, tính người rất cao”, GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh. (Ảnh: THU TRANG) |
Một sinh viên, nếu được học một người thầy, một giáo sư có thể phát hiện ra thiên hướng của mình, thì có thể trở thành nhân tài. Nhưng cùng là sinh viên đó, nếu người thầy không phát hiện ra thiên hướng của em và không khuyến khích được em đó phát triển, thì tài năng có thể sẽ bị lụi tàn. Vị Hiệu trưởng đưa ra thí dụ.
Vì thế, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho rằng không phần mềm, ứng dụng nào có thể thay thế được người thầy. Thế nên thay vì quan ngại sẽ bị các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tước đi vai trò, hay lo ngại hiện tượng “đạo văn”,… thì nên khuyến khích mọi người sử dụng công nghệ một cách thông minh và nhân văn.
“Đó mới là điều cần thiết, không thể yêu cầu cấm dùng, hay cấm sử dụng phần mềm này, ứng dụng kia trên nền tảng Internet, thậm chí có những lúc cần khuyến khích phải dùng. Vấn đề quan trọng và cần thiết là xây dựng, bồi đắp giá trị, lòng tự trọng, tính trung thực”.
Đối với giảng viên, nếu chỉ truyền đạt kiến thức máy móc, thì có thể sinh viên sẽ thiếu hứng thú. Cùng một môn học, một kiến thức, nhưng thầy này dạy thì sinh viên háo hức, nhưng cùng một bài học, người khác dạy sinh viên có thể gục đầu để ngủ. Hiện nay, giảng viên cũng đứng trước những thách thức trong việc khơi dậy được niềm hứng khởi trong học tập cho sinh viên.