Phân luồng, định hướng nghề cho học sinh vùng cao

Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung phân luồng, định hướng nghề để giúp học sinh vùng cao có những lựa chọn phù hợp nhất cho tương lai. Đến nay, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục đi học nghề, có việc làm tại Bắc Kạn ngày càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Dạy nghề chăn nuôi tại Trường cao đẳng Bắc Kạn.
Dạy nghề chăn nuôi tại Trường cao đẳng Bắc Kạn.

Năm học 2022-2023, Bắc Kạn có số học sinh trung học cơ sở là 20.391 em. Việc phân luồng tốt sẽ tạo điều kiện cho học sinh có định hướng rõ ràng, nâng cao cơ hội tiếp cận tri thức để lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Bắc Kạn luôn xác định phân luồng học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh đã ban hành Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đạt ít nhất 30%. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn, đến nay, 100% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, Bắc Kạn đã sáp nhập Trường cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn, Trường cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn thành Trường cao đẳng Bắc Kạn; sáp nhập các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo bằng nhiều nguồn lực khác nhau.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương cơ bản được thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm 2022 tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp tăng so với năm 2021. Tỷ lệ tuyển sinh tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên các huyện tăng so với năm 2021. Toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề được: 8.155 người, đạt 135,9% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng là 41 người; trình độ trung cấp là 712 người; sơ cấp 1.310 người; đào tạo thường xuyên dưới ba tháng là 6.092 người.

Tại huyện vùng cao Chợ Đồn, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Ma Doãn Kháng cho biết, 100% các đơn vị trường học tổ chức dạy hướng nghiệp cho học sinh khối 9 ngay từ đầu năm học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Để thực hiện hiệu quả việc phân luồng, huyện Chợ Đồn đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2021-2025. Huyện chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện cho nhà trường tổ chức dạy học gắn với việc thực hành trong sản xuất các sản phẩm đặc trưng tại địa phương. Năm học 2021-2022, trong tổng số 682 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của huyện đã có 101 em theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 53 em là học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn.

Hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện chế độ chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau trung học cơ sở vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm học 2022-2023, Trường cao đẳng Bắc Kạn tổ chức nhập học cho 226 học sinh theo học các nghề, như: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ ô-tô, chăn nuôi thú y, điện công nghiệp, điện dân dụng, khách sạn, nhà hàng và chế biến món ăn. Việc số học sinh trung học cơ sở đăng ký học nghề tăng một phần nhờ vào chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng lên. Nhà trường luôn bám sát quan điểm lấy người học làm trung tâm; sự phản hồi, đánh giá của doanh nghiệp sử dụng lao động làm thước đo chất lượng đào tạo. Chính vì thế nhà trường luôn có uy tín với doanh nghiệp sử dụng lao động thể hiện qua chất lượng đầu ra của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đáng chú ý, Trường cao đẳng Bắc Kạn còn chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, đối tác cung ứng việc làm trong và ngoài nước như: Công ty cổ phần xây lắp máy LILAMA; Công ty cổ phần cơ khí Sóc Sơn; YAMAHA; SamSung ViNa; Công ty cổ phần phát triển nhân lực Việt Anh; Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế SONA; Khu công nghiệp Thanh Bình-Chợ Mới…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 30.000 người trở lên; hằng năm, tuyển mới và đào tạo 6.000 người trở lên, trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp là 13%, trình độ sơ cấp và dưới ba tháng là 87%; có 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 35% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.