Sau khi viện dẫn "triết gia Socrate bị kết án tử hình vì tội đầu độc tư tưởng cho giới trẻ và chống lại nhà nước dân chủ chủ nô", Bruno "phải lên máy chém vì ủng hộ thuyết "nhật tâm", Phạm Lê Vương Các nhắc tới một số nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học... và gọi họ là "những người tiên phong trong việc chống nhà nước phong kiến nửa thuộc địa đương thời để xóa bỏ sự nô dịch, lạc hậu, và bất công". Từ những cứ liệu đó, tác giả này kết luận "không thể xem chống nhà nước là hành vi hoàn toàn tiêu cực được". Khi làm công việc này, Phạm Lê Vương Các đã bỏ qua một nội dung có tính chất nền tảng là bối cảnh lịch sử của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, và tính tất yếu của quá trình nhận thức cùng hành vi của con người trong bối cảnh lịch sử ấy. Phải chăng, tác giả do thiếu hiểu biết hay cố tình bỏ qua nội dung nền tảng này, đánh đồng nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến nửa thuộc địa với nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hiện nay? Trên thực tế, bản chất các loại hình nhà nước mà những nhân vật lịch sử do Phạm Lê Vương Các viện dẫn đã từng sống lại hoàn toàn khác nhau, mục đích đấu tranh của mỗi người cũng rất khác nhau. Từ sự mập mờ này, Phạm Lê Vương Các nhận định "tuy cùng một hành vi chống nhà nước, nhưng đã làm cho Việt Nam sản sinh ra những con người "phản động" theo tinh thần lý luận đấu tranh giai cấp nhưng lại mang bản chất "yêu nước" theo tinh thần ý thức trách nhiệm của một công dân đấu tranh cho dân chủ tiến bộ, tùy theo cách hiểu khác nhau của mỗi người". Sao lại đánh đồng "phản động" với "yêu nước"? Nếu là người hiểu biết, không thể nhầm lẫn giữa hai phạm trù đối nghịch nhau như thế. Phản động hay yêu nước đều phải dựa trên các tiêu chí xét đoán rõ ràng, được cả cộng đồng thừa nhận, không phải muốn là có thể nói vống lên. Trong cuộc sống, suy nghĩ và hành vi của con người có ý thức đều hướng tới mục tiêu cụ thể, mà tựu trung trước hết là vì nhu cầu của bản thân mình và vì nhu cầu của cộng đồng mà mình là thành viên. Thử hỏi ba blogger mà Phạm Lê Vương Các đứng ra bao biện cho họ đã đóng góp gì cho đất nước, cho cộng đồng nơi họ sống, mà có thể gán cho tên gọi "người yêu nước"? Việc họ viết năm, bảy cái entry chứa đựng thông tin mơ hồ, thật - giả và tốt - xấu lẫn lộn... để vu cáo chính quyền lẽ nào lại là biểu hiện của lòng "yêu nước"? Và không biết vì ấu trĩ không hiểu mối quan hệ giữa hiến pháp và pháp luật với nhà nước hay tôn thờ chủ nghĩa vô chính phủ mà Phạm Lê Vương Các còn viết một cách rất tùy tiện rằng: "Không thể lấy hiến pháp và pháp luật để bảo vệ Nhà nước"! Thử hỏi, nếu Nhà nước không có hiến pháp và pháp luật sẽ ra sao, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân?! Xã hội sẽ ra sao nếu mỗi công dân lại tự đề ra một luật riêng cho bản thân để muốn làm gì thì làm?
Nguy hiểm hơn, theo Phạm Lê Vương Các: "Một khi nhà nước không còn là của dân, do dân, và vì dân trên thực tế thì chống lại nhà nước đó là hành vi tất yếu". Cần vạch rõ sự dối trá này vì nó chỉ đúng khi "dân" ở đây là đại đa số nhân dân, chứ không phải là một vài cá nhân chưa làm được bất cứ điều gì cho dân nhưng vẫn xưng xưng tự nhận là "đại diện của nhân dân". Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà nước thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam chỉ phục vụ bộ máy cai trị thực dân, thẳng tay đàn áp bóc lột nhân dân. Còn Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được Hiến pháp khẳng định là Nhà nước "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền chính là xây dựng một nhà nước dân chủ ngày càng hoàn thiện, nơi nhân dân đứng ra tự tổ chức, tự quản lý, tự điều hành xã hội của mình. Tính thống nhất bao trùm lên mọi hoạt động tổ chức và thực hiện quyền lực của nhân dân, chứ không phải mâu thuẫn hay đối kháng. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do nhân dân lập ra thông qua bầu cử, ý chí của đại đa số nhân dân thể hiện qua hoạt động của Nhà nước một cách công khai, minh bạch, và hành động của Nhà nước thể hiện ý chí, tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân lập ra Nhà nước để bảo vệ cho các quyền và lợi ích của chính mình, nếu Nhà nước không có Hiến pháp và pháp luật bảo vệ thì sẽ không bảo vệ được nhân dân. Ðiều 6 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1992) quy định "Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân"; Ðiều 53 khẳng định công dân "có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương". Trong trường hợp công dân không đồng tình với Nhà nước, hoặc muốn đưa ra ý kiến riêng thì có thể "kiến nghị với cơ quan Nhà nước", Ðiều 74 nêu cụ thể "Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào". Quy định của pháp luật nước ta cũng nêu rõ, công dân có quyền phản đối cơ quan Nhà nước, công dân có thể kiện cơ quan Nhà nước ra tòa án. Ðó là quyền của công dân, bởi không phải lúc nào các cơ quan nhà nước cũng đúng, và ở nước ta đã có một số trường hợp công dân thắng kiện cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Phạm Lê Vương Các còn cho rằng, có sự khác nhau trong quan niệm "chống nhà nước" giữa "các nước dân chủ" với các nước XHCN. Xét từ chính trị học, tất cả các mô hình nhà nước đều có những mặt tốt và mặt hạn chế, con người luôn cố gắng tiệm cận với một mô hình nhà nước hoàn hảo như tiệm cận với chân lý. Nhà nước còn có tính lịch sử, văn hóa sâu sắc, không thể đem mô hình nhà nước của quốc gia này áp dụng cho quốc gia khác mà hy vọng sẽ có kết quả. Tuy nhiên, Phạm Lê Vương Các lại đưa ra quan niệm lệch lạc: "chống lại nhà nước XHCN ở đây luôn được nhà cầm quyền xem là mối đe dọa lực lượng thống trị, an ninh quốc gia, phá vỡ khối đại đoàn kết thống nhất, và lý tưởng của toàn dân". Xét từ nguồn gốc và bản chất của nhà nước, điều này thật ngây thơ, người viết hoàn toàn không hiểu biết. Ðể bảo vệ nhà nước, mọi quốc gia đều phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, một số quốc gia phương Tây còn theo dõi tường tận đến từng cá nhân, thậm chí phát động tấn công các quốc gia khác với lý do... để bảo đảm an ninh! Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, dù là hành pháp, lập pháp hay tư pháp đều phải làm đúng, làm hết trách nhiệm của mình. Nhà nước khuyến khích hoạt động phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Khi công dân có vấn đề cần giải quyết, họ đều có quyền yêu cầu các tổ chức đoàn thể, hệ thống thông tin đại chúng... giúp đỡ. Song không vì thế, công dân lại làm dư luận hoang mang, gây mất ổn định xã hội bằng đưa tin bịa đặt trên internet, nói xấu lãnh đạo, nói xấu người khác mà không đưa ra bằng chứng, rồi kích động bạo loạn, kêu gọi lật đổ chính quyền... Các Ðiều 87, Ðiều 88, Ðiều 92 của Bộ luật Hình sự quy định rõ các tội danh liên quan đến hành vi chống chính quyền nhân dân, chỉ có ai cố tình không hiểu mới phát ngôn tùy tiện như vậy. Xét trên mọi phương diện, hành vi "làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống nhà nước" đều rất nguy hiểm đối với xã hội và không thể gọi đó là hành vi yêu nước. Vì thế, các nước phương Tây đã đối xử rất cứng rắn với Julian Assange khi trang mạng Wikileaks tải lên những thông tin "nhạy cảm".
Nhà nước của chúng ta đang có bước chuyển quan trọng để tự hoàn thiện, từ đó tiếp tục tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp phát triển đất nước, củng cố niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân. Và khi trong bộ máy Nhà nước còn những "con sâu làm rầu nồi canh", chúng ta cần đấu tranh làm trong sạch theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Hệ thống pháp luật của nước ta được xây dựng nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng một số cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách được giao, vẫn còn tình trạng cơ hội, trục lợi cá nhân, gây bất bình trong nhân dân. Những cán bộ trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp vi phạm pháp luật bị khởi tố trong thời gian qua là minh chứng cho quyết tâm lập lại kỷ cương xã hội của Nhà nước. Do đó, mỗi công dân cần có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của Nhà nước, cũng như cần đóng góp thiết thực để xây dựng Nhà nước. Từ lâu, những ý kiến đóng góp tâm huyết của người yêu nước chân chính luôn luôn được ghi nhận, nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc.