Chiều 6/9, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan công tác điều hành của Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Trả lời chất vấn về việc phân cấp thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và giải pháp của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai đẩy mạnh phân cấp, giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực từ Trung ương cho đến địa phương.
Thí dụ, trong tổng số 6.500 thủ tục hành chính, chỉ còn khoảng hơn 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương các cấp, còn lại thuộc thẩm quyền cơ quan Trung ương.
Theo Phó Thủ tướng, đây còn là con số lớn và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, tích cực trong rà soát đề xuất phân cấp, phân quyền hơn nữa.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng thông tin, ngay đầu năm 2022, Chính phủ đã tổ chức hội nghị của các Bộ, ngành với tất cả các tỉnh, thành phố về vấn đề phân cấp, phân quyền. Qua hội nghị, đã có những biện pháp để đẩy mạnh nhanh hơn vấn đề phân cấp, phân quyền trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.
Khó có lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Liên quan tranh luận của đại biểu Quốc hội về vấn đề có hay không chuyện lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để bảo đảm chất lượng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây là những quy định trong luật xây dựng văn bản pháp luật. Cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Theo Phó Thủ tướng, đây là quy trình hết sức chặt chẽ. “Với quy định nêu trên của luật, nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng theo quy trình này rất khó xảy ra”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã đề ra 5 trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế, bao gồm: minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội; củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trả lời câu hỏi liên quan cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, từ năm 2020, các tổ chức quốc tế đã dừng công bố kết quả đánh giá về chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, với Nghị quyết số 02 ngày 10/1/2022 đề ra các biện pháp, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đánh giá mới đây nhất về kết quả, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh công bố tháng 4/2022, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã chuyển biến chung theo hướng tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chuyển biến tốt và rất tốt tăng trên cả 10 lĩnh vực. Đây cũng là kết quả báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã nêu ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai, đổi mới quản lý hành chính đất đai; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số; tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương; kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh...
Hoàn thiện thể chế trong giải ngân vốn đầu tư công
Liên quan tình hình triển khai chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại vấn đề thể chế, nhằm tìm ra những vướng mắc trong việc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Theo đó, tổ công tác đã yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương báo cáo lên, trong đó có khoảng 2.000 vấn đề và khoảng 60-70% trong số đó là do vấn đề hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Tiếp sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố giải thích các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.
Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, gồm các nghị định, thông tư của các Bộ, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trước khi báo cáo, đề xuất với Quốc hội.