Cuốn sách “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” được Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành. Sách tuyển chọn nhiều bài viết của các chuyên gia trong và ngoài nước về cầu Long Biên, trong đó có cả các sáng tác thơ ca, hội họa của nhiều tác giả, văn nghệ sĩ. Thông qua các bài viết như: “Cầu Long Biên - cây cầu nối Việt Nam với Pháp” (Nguyễn Dy Niên), “Hà Nội và cây cầu Rồng - cầu Long Biên” (Daniel Biau), “Cầu Long Biên và vai trò của Paul Doumer” (Phan Trang), “Cây cầu sinh ra từ một ý tưởng điên rồ!” (Đỗ Hoàng Anh), “Dải đăng ten giăng giữa trời” (Dương Trung Quốc), “Dự án cải tạo Cầu Long Biên và phụ cận” (Nguyễn Nga), “Khôi phục cầu Long Biên - Tiếp cận đô thị và cảnh quan” (Eiffage - Atelier Villes & Paysages - Egis)…, người đọc được khám phá thêm những câu chuyện, thông tin thú vị về cây cầu thép vượt sông Hồng song hành cùng lịch sử Hà Nội trong hơn 120 năm qua và giờ đây là một trong những biểu tượng của thành phố vì hòa bình, cũng là cây cầu nối ba thế kỷ, nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đảm nhận vai trò chủ biên cuốn sách, Kiến trúc sư Nguyễn Nga chia sẻ, với bà, “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” giống như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình 17 năm theo đuổi dự án bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên. Hành trình ấy chất chứa bao hoài niệm, tình yêu đối với cây cầu là “nhân chứng lịch sử” của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Trong Lời giới thiệu cuốn sách, Kiến trúc sư Nguyễn Nga kể: Năm 1989, bay từ Paris về Hà Nội sau 35 năm xa cách, bà mượn một chiếc xe đạp đi từ Nhà hát lớn xuyên phố cổ để đến cầu Long Biên. “Với tôi thì cây cầu là một con rồng uốn lượn trên thành phố Thăng Long. Cầu đã quá già nua, mang đầy thương tích của những trận bom càn quét. Một nửa cầu đã mất hết nhịp, còn trơ lại như một mẩu xương, trông đến nao lòng. Một đoàn tàu hỏa xình xịch đi tới. Cả cây cầu bỗng rung lên. Tôi có cảm tưởng như đang đứng trên lưng một con rồng đang thức dậy. Bao cảm xúc trào dâng, tôi đã tự hứa sẽ phải làm gì đó cho cây cầu huyền thoại này”.
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và 10 năm Hà Nội được UNESCO tôn vinh là Thành phố vì hòa bình, được sự ủng hộ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Kiến trúc sư Nguyễn Nga đã kêu gọi cộng đồng làm nghệ thuật trong nước, quốc tế cùng 70 Đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội và giới truyền thông hỗ trợ tổ chức hai kỳ festivals để “cứu” cầu Long Biên, đó là “Ký ức cầu Long Biên” năm 2009 và “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm” năm 2010, góp phần đưa cầu Long Biên trở thành biểu tượng của Hà Nội, biểu tượng của thành phố vì hòa bình.
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thành Tùng, cầu Long Biên được gọi là cây cầu huyền thoại vì nó đã chứng kiến những con người huyền thoại làm nên những sự kiện lịch sử huyền thoại, khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam đi qua các cuộc kháng chiến để giành độc lập…
Nói thêm về điều này, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Cây cầu thép bắc ngang qua ba thế kỷ không chỉ chứng kiến mà còn trải qua mọi thăng trầm của Hà Nội: những cơn lũ lịch sử, những biến cố chính trị, các đoàn quân từ chiến khu tiến về trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quân đội ta tiếp quản và những người lính thực dân Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên rút ra khỏi miền bắc sau Hiệp nghị Geneve 1954, những trận bom dữ dội của không quân Mỹ mà cao điểm là năm 1967..., nhưng đến nay cây cầu ấy vẫn hiên ngang.
Viết đôi lời cho cuốn sách của nhiều tác giả, được biên tập và xuất bản nhân thời điểm chiếc cầu thép bắc qua sông Hồng đã vượt cái mốc 120 năm qua ba thế kỷ đầy thử thách của thời gian, thiên tai và địch họa... ta càng cảm nhận sự không thể thiếu vắng bóng cầu Long Biên soi mình xuống dòng nước sông Hồng, không chỉ trong ký ức, không chỉ là di sản mà còn là sự sáng tạo của những người yêu quý Hà Nội luôn không nguôi ý tưởng để cho cây cầu tồn tại và sống mãi với Thủ đô như một công trình văn hóa.
Là ấn phẩm ý nghĩa được xuất bản dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” còn gửi gắm giá trị nhân văn sâu sắc khi kinh phí bán sách sẽ được ban tổ chức chuyển vào Quỹ xây cầu thiện nguyện để ủng hộ đồng bào vùng lũ sau bão số 3.