Pha Mu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Than Uyên, với năm bản, 207 hộ, gần 1.100 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào H’Mông và Thái. Trước đây nhắc đến địa danh Pha Mu, người ta thường nghĩ đến đói nghèo, những mái nhà xiêu vẹo, những cung đường lầy lội, trơn trượt mỗi mùa mưa…
"Bố bản" Kháng Sính Vàng, bản Pá Khoang năm nay đã ngoài 70 tuổi, là người uy tín được bà con nơi đây trọng vọng gọi là "bố". Trong câu chuyện hoài niệm về một thời gian khó, ông Vàng kể: "Trước đây, người dân Pha Mu chỉ quen cấy một vụ, vật nuôi thì thả rông bừa bãi, con cái lớn cũng chẳng đến trường, cứ mặc nhiên phó thác việc học chữ cho nhà trường, thầy cô… Có năm mất mùa, dịch bệnh hoành hành, nhà nào cũng vét tới hạt thóc đáy bồ mà cái bụng chẳng đủ ấm. Những đận như vậy, bà con lại kéo lên ủy ban xin gạo trợ cấp của Nhà nước…".
Tuy nhiên đó là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại với sự đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Pá Khoang đã chuyển mình. Minh chứng rõ nhất cho bộ mặt đổi mới là những con đường bê-tông dẫn vào tận cửa mỗi gia đình. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Pá Khoang đạt 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm, chỉ còn dưới 20%. Toàn bản phát triển được hơn 20 ha chè, hơn 10 ha quế, gần 200 thùng ong… trong đó sản phẩm mật ong đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Từ câu chuyện của Bố bản Vàng ở Pá Khoang và những thứ được mắt thấy, tai nghe mới cảm nhận được sự đổi thay thật sự của Pha Mu hôm nay. Xuất phát điểm là một trong các xã đặc biệt khó khăn của Lai Châu, hiện tại xã đang trên đường cán đích nông thôn mới. Cơ sở vật chất khang trang, tất cả tuyến đường từ trung tâm tới các bản được đổ bê-tông "cứng hóa".
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chít Lò Văn Piềng phấn khởi: Ngày trước mỗi lần vào vụ thu hoạch, bà con phải gồng gồng, gánh gánh cả tháng trời mới xong mùa. Bây giờ thì khác xưa rồi, thay bằng gặt hái truyền thống, nay đã có máy tuốt liên hoàn đến tận bờ ruộng, nông sản khi tới kỳ thu hoạch, người dân chỉ việc đưa xe máy xuống chở về nhà…
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban nhân dân xã Pha Mu, trước năm 2015, toàn xã chỉ có 3 km đường bê-tông, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Xã chỉ đạt bốn tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Những tiêu chí còn lại rất khó thực hiện.
Lúc bấy giờ, tỷ lệ hộ nghèo ở Pha Mu chiếm hơn 58%, thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm… Thế nhưng, sau bảy năm nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, những con đường bê-tông được hoàn thành, hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh được hoàn thiện, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia, 100% số bản có nhà văn hóa…
Bên cạnh những thay đổi về cơ sở vật chất, nhiệm vụ phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi, người dân đã biết thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Ngoài sản xuất nông nghiệp thuần túy, hiện người dân xã Pha Mu đang trồng cây quế, chè, mắc ca… với diện tích quế hơn 40 ha, hơn 20 ha mắc ca.
Ngoài ra, lợi thế đất, rừng tự nhiên rộng, nhiều bãi chăn thả là điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc và nghề nuôi ong, xây dựng bản du lịch cộng đồng... Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Pha Mu giảm bình quân 5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pha Mu, để có được những kết quả nêu trên, thời gian đầu chính quyền địa phương cùng các già làng, người có uy tín phải đến từng nhà vận động bà con hiến đất, góp công. Ban đầu cũng gặp những trở ngại vì người dân chưa hiểu, song bằng sự kiên trì thuyết phục, vận động, hướng dẫn… trong nhiều năm liền, họ hiểu, đồng lòng ủng hộ. Hiện nay, chương trình xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của Pha Mu đã đạt 12/19 tiêu chí. Với mục tiêu về đích nông thôn mới vào đầu năm 2024, cấp ủy, chính quyền và người dân Pha Mu đang dồn sức hoàn thành những hạng mục tiêu chí còn lại…